Giới chức Israel kiên quyết cứng rắn với Hezbollah, trong lúc Houthi cũng tăng cường hành động chưa từng có tiền lệ nhằm vào Israel.
Israel đặt mục tiêu mới
Những quyết định mới nhất của Israel khiến giới quan sát đưa ra kịch bản nước này sẽ kiên quyết hơn trong cuộc đụng độ với lực lượng Hezbollah ở Li Băng. Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 17/9 thông báo nội các an ninh đã chính thức đề ra mục tiêu thứ 4 trong cuộc xung đột tại Gaza, đó là đảm bảo cư dân miền bắc Israel được trở về an toàn. Hàng chục ngàn người Israel ở miền bắc đã phải sơ tán khi nằm giữa làn bom đạn trong cuộc giao tranh giữa Hezbollah và Israel.
Trong buổi điện đàm với người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin ngày 16/9, Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant nói rằng cánh cửa ngoại giao cho tình trạng bế tắc với Hezbollah dần khép lại. Ông Gallant cũng nói với đặc phái viên Mỹ Amos Hochstein có mặt tại Tel Aviv hôm 16/9 rằng chừng nào Hezbollah còn ràng buộc với Hamas và từ chối kết thúc xung đột, giải pháp duy nhất để người dân Israel an toàn trở về miền bắc là thông qua hành động quân sự.
Về phần mình, ông Hochstein cảnh báo một chiến dịch quy mô lớn nhằm vào Hezbollah sẽ không khiến người dân an toàn, trái lại còn có nguy cơ gây ra cuộc chiến kéo dài trong khu vực. Các chuyên gia đánh giá tiềm lực quân sự của Hezbollah rất đáng kể, nêu thêm một cuộc xung đột quy mô lớn với Israel sẽ gây tổn thất không nhỏ cho hai phía, ngoài ra còn tăng thêm sức ép với vấn đề nhân đạo.
Rốc két phóng từ Li Băng sang Israel bị đánh chặn trên không ngày 16/9.
Ông Assaf Orion, cựu thiếu tướng quân đội Israel và hiện là nhà nghiên cứu tại Viện Washington về chính sách vùng Cận Đông (trụ sở tại Mỹ), có bài viết trên tạp chí Foreign Affairs ngày 12/9, đề cập rằng trong gần 1 năm qua Hezbollah đã phóng hơn 7.600 quả rốc két vào Israel, và Tel Aviv đã tấn công hơn 7.700 mục tiêu của Hezbollah ở Li Băng. "Trong một cuộc chiến toàn diện, quy mô như vậy có thể diễn ra trong vài ngày", ông Orion nhận định và nói thêm rằng nếu được Iran hỗ trợ tên lửa và máy bay không người lái, kho vũ khí của Hezbollah sẽ thách thức đáng kể hệ thống phòng không của Israel.
Houthi làm căng hơn
Trường hợp xảy ra xung đột toàn diện, Israel nhiều khả năng không chỉ đối đầu với Hezbollah, mà còn các nhóm vũ trang tại Syria, Iraq hay Yemen, vốn ít nhiều đã đụng độ Tel Aviv trong những tháng qua. Lực lượng Houthi tại Yemen mới đây cũng có đòn cảnh cáo khi bắn tên lửa vào miền trung Israel hôm 15/9. Đây là lần đầu tiên tên lửa Houthi tiếp cận sâu lãnh thổ Israel như vậy, theo Reuters. Sau vụ tấn công trên, người phát ngôn Houthi Yahya Saree cảnh báo sẽ có nhiều đợt tập kích hơn nhằm vào Israel trong tương lai. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nhấn mạnh Houthi sẽ phải "trả giá đắt".
Foreign Policy ngày 11/9 có bài phân tích của ông Steven A. Cook, nhà nghiên cứu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại (trụ sở tại Mỹ), nhận định Houthi có những mục tiêu riêng và nhiều khả năng sẽ không ngừng tấn công Israel cũng như cản trở tàu hàng trên biển Đỏ ngay cả khi Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn. Theo ông Cook, Houthi đang đối đầu với những phe cánh tại Yemen. Việc tiếp tục tấn công Israel và tàu hàng ở biển Đỏ có thể giúp Houthi đạt lợi ích chính trị, qua đó xây dựng vị thế ở Yemen.
Theo The Wall Street Journal, Israel những tháng qua đã có nhiều cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng do Houthi kiểm soát tại Yemen, với mục đích răn đe. Tuy nhiên, vụ tấn công mới nhất của Houthi phần nào chỉ ra hành động của Israel chưa thể làm nhóm vũ trang này nao núng.
Q.N (Theo Báo Thanh niên)