Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, do đó, cùng với giáo dục tri thức, các em cần được giáo dục về tinh thần yêu nước và lòng biết ơn để trở thành những con người có phẩm chất, trí tuệ, có nhận thức đúng đắn, toàn diện và luôn có ý thức trách nhiệm, có lý tưởng, hoài bão cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Bảo tàng tỉnh là địa chỉ đỏ giáo dục học sinh về lịch sử dân tộc, tinh thần yêu nước, lòng biết ơn. Ảnh: Trà Hương
Tinh thần yêu nước, lòng biết ơn là những giá trị đạo đức cốt lõi của mỗi con người, là nền tảng tạo nên khối đoàn kết với sức mạnh to lớn để giữ gìn và phát triển quê hương, đất nước.
Đối với học sinh, tinh thần yêu nước giúp các em hiểu, trân trọng, tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc và tạo động lực để các em phấn đấu vì sự tiến bộ chung của cộng đồng; lòng biết ơn giúp học sinh biết tôn trọng, đồng cảm và phát huy tinh thần trách nhiệm đối với gia đình, quê hương, đất nước.
Thực tế hiện nay, bên cạnh những học sinh, sinh viên luôn ý thức về vai trò và trách nhiệm với tương lai đất nước, ra sức học tập, rèn luyện, góp sức xây dựng quê hương, lan tỏa những điều tích cực thì vẫn còn một số bạn trẻ vì sự lệch lạc, không toàn diện trong nhận thức mà phát ngôn tiêu cực, thể hiện sự chê bai về những khó khăn của đất nước, có tư tưởng “sính ngoại”…
Những thanh, thiếu niên này dễ bị lôi kéo và nhồi nhét những tư tưởng sai lệch, quên đi những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thậm chí vô ơn với quê hương, làm những việc ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Thực hiện sứ mệnh giáo dục, ngành GDĐT tỉnh luôn quan tâm đẩy mạnh giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng thế hệ trẻ có hoài bão, lý tưởng, có khát vọng cống hiến.
Thông qua những môn học như Ngữ văn, Lịch sử, Giáo dục công dân…, học sinh được tìm hiểu, bồi đắp kiến thức về lịch sử, con người Việt Nam với những chiến công vĩ đại của dân tộc, những hy sinh to lớn của cha ông trong quá trình dựng nước và giữ nước; được giáo dục về lòng biết ơn đối với cha mẹ, thầy cô giáo, biết ơn Đảng, biết ơn các Anh hùng liệt sĩ đã đấu tranh giành độc lập, tự do, đem đến cuộc sống ấm no cho nhân dân.
Từ năm học 2020 - 2021, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, ngành GDĐT tỉnh đã đưa nội dung nét đẹp văn hóa Vĩnh Phúc vào tài liệu giáo dục địa phương để giảng dạy cho học sinh như một số loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc trong tỉnh; các trò chơi, trò diễn dân gian, làn điệu dân ca, dân vũ (hát trống quân Đức Bác, hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu)... qua đó, giáo dục học sinh trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống của quê hương.
Các trường học tăng cường tổ chức các hoạt động ngoại khóa trải nghiệm như hành trình “Về nguồn”, đến với địa danh lịch sử; các cuộc thi tìm hiểu, vẽ tranh, diễn kịch, kể chuyện về văn hóa, lịch sử dân tộc; mời nhân chứng lịch sử đến nói chuyện, tổ chức lễ trưởng thành cho học sinh, các buổi vệ sinh làm đẹp nghĩa trang liệt sĩ…
Cô Trần Thị Mỵ Thành, giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS Định Trung (Vĩnh Yên) cho biết: “Qua những bài giảng lịch sử và nhiều hoạt động ngoại khóa hấp dẫn, tôi muốn truyền tải và bồi đắp cho học sinh những giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn đối với cha mẹ, thầy, cô giáo, những thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu để có cuộc sống tốt đẹp ngày hôm nay”.
Đặc biệt, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 45, ngày 28/4/2023 về tăng cường phát triển Đảng trong học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, các trường THPT đã đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, kết nạp Đảng cho học sinh, sinh viên.
Hằng năm, các trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX, trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh đều xây dựng chỉ tiêu và tạo cơ hội cho hàng trăm học sinh, sinh viên ưu tú được tham gia các lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng và được theo dõi giúp đỡ để trở thành đảng viên.
Việc kết nạp Đảng trong học sinh, sinh viên là quá trình để thế hệ trẻ tìm hiểu, nhận thức đúng đắn, toàn diện về lịch sử dân tộc, vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam; từ đó đưa những học sinh ưu tú đứng trong hàng ngũ của Đảng, trở thành những "nhân tố đỏ", góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng.
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Lạc 2 cho biết: “Nhà trường luôn quan tâm tạo cơ hội cho học sinh phấn đấu, rèn luyện để được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Hằng năm, Ban chi ủy xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển đảng viên là học sinh, sau đó giao Đoàn Thanh niên theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ các em học tập, rèn luyện. Năm học 2023 - 2024, nhà trường có 7 học sinh vinh dự được kết nạp Đảng. Qua nắm bắt, các đảng viên trẻ đều đang tích cực học tập, rèn luyện”.
Là học sinh ưu tú được kết nạp Đảng khi tròn 18 tuổi, em Đỗ Đức Tuấn, cựu học sinh Trường THPT Kim Ngọc (Vĩnh Yên) cho biết: “Từ những hoạt động giáo dục của nhà trường, em được bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc và sự trân trọng, biết ơn những gì mình nhận được từ gia đình, nhà trường, từ các thế hệ cha anh đi trước.
Là đảng viên trẻ, em tiếp tục phấn đấu học tập, rèn luyện và luôn phát huy tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong việc giữ gìn truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc; tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước; phân biệt và đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, phản động để bảo vệ quê hương, đất nước”.
Giáo dục tinh thần yêu nước và lòng biết ơn là hai nhiệm vụ quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển nhân cách của học sinh, giúp các em có nhận thức đúng đắn, đầy đủ và luôn tự hào về dân tộc, Tổ quốc, biết yêu thương, khắc ghi công lao của những người đi trước; từ đó, các em phát huy tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt huyết trong học tập, rèn luyện đạo đức, lối sống, góp sức xây dựng và phát triển đất nước.
Minh Hường