Với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư, cải cách hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn, tỉnh đang tích cực phối hợp với Đoàn công tác Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) sớm hoàn thiện văn kiện Dự án "Phát triển năng lực địa phương" để triển khai thực hiện.
Không chỉ sở hữu chuỗi nhà máy khắp cả nước, Tập đoàn CNCTech đang đẩy mạnh phát triển các dự án hạ tầng công nghiệp tại tỉnh, thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Ảnh: Nguyễn Lượng
Mới đây, UBND tỉnh đã có buổi làm việc với Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam về việc phối hợp xây dựng văn kiện Dự án "Phát triển năng lực địa phương".
Dự án nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác chung giữa USAID và Bộ Kế hoạch và Đầu tư với tổng kinh phí 19 triệu USD.
Cùng với Vĩnh Phúc, dự án được thực hiện thí điểm tại 3 tỉnh, thành phố trên cả nước gồm Cần Thơ, Đồng Tháp, Thừa Thiên Huế trong giai đoạn 2024-2028 với mục tiêu chung là hỗ trợ tăng cường năng lực, hiệu quả phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức địa phương nhằm thúc đẩy quy trình hoạch định chính sách và thực thi chính sách minh bạch hơn, cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người dân Việt Nam, đặc biệt là cho các nhóm yếu thế và ít được đại diện trong xã hội.
Tại Vĩnh Phúc, dự án dự kiến tập trung vào 4 nhóm lĩnh vực ưu tiên gồm chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính; phát triển kinh tế địa phương; bảo vệ môi trường khu vực nông thôn và phát triển du lịch bền vững; thực hiện trên địa bàn tỉnh và 3 huyện gồm Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Đảo.
Hướng tới mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, tỉnh tập trung cải cách hành chính trên nhiều lĩnh vực. Ảnh: Nguyễn Lượng
Từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, tỉnh đã đạt nhiều thành tựu quan trọng trên hầu hết các lĩnh vực và nằm trong top dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, thu ngân sách.
Tuy nhiên, chất lượng tăng trưởng kinh tế của tỉnh chưa cao, thậm chí đang có dấu hiệu chững lại so với một số tỉnh, thành khu vực đồng bằng sông Hồng và còn phụ thuộc nhiều vào khối doanh nghiệp FDI.
Chính vì vậy, tỉnh xác định 1 trong 5 giải pháp trọng tâm, đột phá để hiện thực hóa được các mục tiêu của Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm nay là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng năng suất lao động trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số và nâng cao thu nhập bình quân đầu người.
Khẳng định việc triển khai thực hiện Dự án "Phát triển năng lực địa phương" với mục tiêu hướng tới phù hợp với định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020-2025, góp phần hỗ trợ địa phương tăng cường năng lực, hiệu quả phối hợp giữa chính quyền và các tổ chức địa phương, cung cấp dịch vụ công cho người dân ngày càng tốt hơn, UBND tỉnh đề nghị Học viện Chính sách và Phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp lựa chọn các chuyên gia có kinh nghiệm để tư vấn, triển khai dự án, phối hợp xây dựng nhiệm vụ và triển khai dự án phù hợp với thực tiễn, nhu cầu của tỉnh.
Để việc triển khai dự án đúng tiến độ đề ra, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối điều phối chung, chịu trách nhiệm tham mưu phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện dự án theo quy chế, quy định; đảm bảo tận dụng tối đa sự hỗ trợ thực hiện dự án.
Đồng thời nghiên cứu hoàn thiện các giải pháp đẩy mạnh thu hút công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp điện, điện tử, bán dẫn và các ngành nghề thu hút theo định hướng của tỉnh và Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng hiệu lực, hiệu quả và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn; tiếp tục cải thiện thứ bậc các chỉ số PCI, PAPI, SIPAS, PAR INDEX, PGI, chuyển đổi số… của tỉnh, đặc biệt là các chỉ số đang có thứ hạng thấp.
Du lịch Vĩnh Phúc nhiều tiềm năng nhưng cần những giải pháp mang tính đột phá để phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Ảnh: Nguyễn Lượng
Bổ sung các nhiệm vụ, giải pháp phát triển doanh nghiệp như giải pháp nâng cao năng lực doanh nghiệp trong nước, khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa gắn với các chuỗi liên kết của doanh nghiệp FDI; bổ sung phát triển doanh nghiệp gắn với kinh tế tuần hoàn, bền vững, cam kết của Việt Nam thực hiện COP26.
Nghiên cứu bổ sung các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số, thương mại điện tử; các giải pháp thúc đẩy sử dụng nước sạch tập trung, bảo vệ môi trường, xử lý rác thải, nước thải…; đầu tư xây dựng nhà máy rác thải tập trung; nâng cao hiệu quả quản lý và giải quyết vấn đề nước sạch, vấn đề xử lý nước thải ở khu vực nông thôn, các làng nghề bằng công nghệ mới, hiện đại.
Đẩy mạnh phát triển du lịch bền vững, trong đó chú trọng du lịch sinh thái, du lịch hội thảo, nghỉ dưỡng gắn với phát triển du lịch thể thao và các tiềm năng, lợi thế về du lịch của tỉnh…
Điều chỉnh nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao thành sản xuất nông nghiệp hiệu quả cao, góp phần nâng cao thu nhập, phúc lợi cho người dân.
Nghiên cứu tư vấn cho chính quyền mỗi huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh tập trung vào làng nghề, ngành nghề cụ thể, phù hợp với điều kiện và thực tiễn của địa phương.
Lưu Nhung