Những kết quả tích cực trong việc triển khai, thực hiện các nhiệm vụ của Đề án ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) của Chính phủ đã mang lại nhiều thay đổi trong hoạt động nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh; tạo nền tảng quan trọng cho sự phát triển của ngành BHXH theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân. Ảnh: Trà Hương
Liên thông dữ liệu khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi nằm trong nhóm dịch vụ công thiết yếu theo Đề án 06. Qua triển khai liên thông nhóm thủ tục nhằm quản lý chặt chẽ hơn thông tin nhân thân và cư trú của người dân, khắc phục tình trạng trẻ em đã đăng ký khai sinh nhưng chưa được nhập hộ khẩu hoặc cấp thẻ BHYT, giúp người dân tiết kiệm công sức, chi phí và thời gian đi lại giải quyết thủ tục hành chính.
Với quyết tâm thực hiện hiệu quả Đề án 06, BHXH tỉnh đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai nhóm thủ tục liên thông, giúp việc cấp thẻ BHYT cho trẻ dưới 6 tuổi đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện và chính xác.
Từ đầu năm đến nay, 100% trẻ dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT qua trục liên thông với Bộ Tư pháp và Bộ Công an. Người dân chỉ cần khai báo thông tin một lần là có thể giải quyết được 3 thủ tục hành chính, giúp giảm thời gian, công sức khi làm hồ sơ, thủ tục.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh liên thông cũng giúp cơ quan BHXH giảm áp lực cho cán bộ giải quyết thủ tục hành chính; đảm bảo công khai, minh bạch trong việc giải quyết các chế độ BHXH, BHYT, góp phần nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia và thụ hưởng chính sách.
Chị Nguyễn Thị Hường, phường Liên Bảo (Vĩnh Yên) cho biết: “Tôi đến UBND phường làm giấy khai sinh cho con và được cán bộ phường tận tình hướng dẫn các bước thực hiện nhóm thủ tục liên thông. Tôi chỉ cần kê khai 1 lần là xong cả 3 thủ tục về cấp giấy khai sinh, thẻ BHYT, nhập hộ khẩu cho con, rất nhanh chóng và tiết kiệm thời gian, công sức”.
Xác định Đề án 06 của Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong công tác chuyển đổi số, tạo ra nhiều tiện ích, dịch vụ, mang lại lợi ích thiết thực, phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn, hiệu quả hơn, ngay từ những ngày đầu triển khai, BHXH tỉnh tập trung chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương các nhiệm vụ của đề án.
Đơn vị đã thành lập Tổ chỉ đạo Đề án 06, tổ chức họp định kỳ hằng tháng để đánh giá kết quả thực hiện và nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đưa ra giải pháp trong thực hiện nhiệm vụ được giao; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc nghiêm túc tổ chức triển khai kịp thời, toàn diện, hiệu quả các nhiệm vụ, mục tiêu đề ra; thường xuyên tự kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung liên quan theo kế hoạch của BHXH Việt Nam, của UBND tỉnh; đảm bảo thực hiện đúng phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Đề án 06.
Cán bộ Bảo hiểm xã hội tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng tiện ích thiết thực của ứng dụng VssID-BHXH số. Ảnh: Trà Hương
Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT, BHTN và hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm tính liên thông, sẵn sàng kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với dữ liệu quốc gia về dân cư và dữ liệu của các ngành có liên quan.
Công tác tuyên truyền được BHXH tỉnh triển khai với nhiều hình thức đa dạng, góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, viên chức toàn ngành; nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận của người dân, người lao động trong quá trình triển khai các nhiệm vụ của Đề án 06.
Bên cạnh đó, BHXH tỉnh tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị của tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 06 như tăng cường chia sẻ, cập nhật thông tin giữa cơ sở dữ liệu quốc gia của ngành BHXH với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư của Bộ Công an.
Phối hợp với ngành Y tế triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT, liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua hạ tầng của BHXH Việt Nam; phối hợp với hệ thống ngân hàng, bưu điện để tuyên truyền, vận động người nhận chế độ qua tài khoản ngân hàng…
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 1,1 triệu người tham gia BHXH, BHYT được đồng bộ, xác thực với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt gần 96% số người tham gia BHXH, BHYT; 100% cơ sở y tế triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp trong khám, chữa bệnh BHYT với hơn 1,02 triệu lượt tra cứu; gần 564.700 người tham gia BHXH, BHYT cài đặt ứng dụng VssID; 100% người tham gia BHXH nhận trợ cấp thất nghiệp và chế độ ngắn hạn qua tài khoản ngân hàng…
Những kết quả bước đầu đạt được trong triển khai thực hiện Đề án 06 của BHXH tỉnh đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, xây dựng ngành BHXH hiện đại, chuyên nghiệp, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân; đóng góp quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu chung của Đề án 06 trên địa bàn tỉnh.
Phát huy kết quả đạt được, BHXH tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, viên chức toàn ngành trong triển khai Đề án 06.
Tiếp tục xây dựng, làm giàu cơ sở dữ liệu của ngành; đồng thời, sẵn sàng chia sẻ, đồng bộ, liên thông với các bộ, ngành, địa phương nhằm tiếp tục cắt giảm các thủ tục hành chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, xây dựng và hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ trên môi trường số.
Phối hợp chặt chẽ với các ngành, đơn vị, địa phương triển khai hiệu quả Đề án 06, nhất là các nhiệm vụ về thực hiện nhóm thủ tục liên thông, chi trả chế độ qua phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; sử dụng căn cước công dân gắn chíp hoặc hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID thay thế thẻ BHYT giấy trong khám, chữa bệnh BHYT…
Lê Mơ