Nắm bắt cơ hội phát triển trong thời kỳ thương mại điện tử bùng nổ, Bưu điện tỉnh nhanh chóng chuyển hướng sản xuất, kinh doanh theo hướng đa dạng về dịch vụ, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, qua đó khẳng định niềm tin với khách hàng và là nền tảng khẳng định thương hiệu bưu chính quốc gia.
Bưu điện tỉnh với đa đạng dịch vụ, tiện ích, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành thương mại điện tử.
Bên cạnh hình ảnh những chú “ong thợ” cần mẫn đưa thư trước kia, nhân viên bưu điện ngày nay rất đa năng, vừa đảm bảo tốt công việc bưu chính công ích, vừa năng động, nhạy bén với nhiều dịch vụ mới, mang lại sự thuận tiện, hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, phục vụ tốt công tác cải cách hành chính của bộ máy chính quyền. Nhất là khai thác tiềm năng phát triển của ngành thương mại điện tử, bán hàng online… thúc đẩy phát triển ngành thương mại - dịch vụ của tỉnh.
Năm 2023, dù chịu nhiều tác động do suy thoái kinh tế, song với sự linh hoạt, sáng tạo của Ban Giám đốc, người lao động, tổng doanh thu của Bưu điện tỉnh đạt hơn 200 tỷ đồng, trong đó, lĩnh vực bưu chính chuyển phát đạt hơn 105 tỷ đồng, tài chính bưu chính đạt 47 tỷ đồng và lĩnh vực phân phối truyền thông đạt hơn 54,2 tỷ đồng.
Bưu điện tỉnh duy trì ổn định việc làm và thu nhập, thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách cho hơn 500 cán bộ, công nhân viên, người lao động với thu nhập bình quân đạt 8,6 triệu đồng/người/tháng.
Giám đốc Bưu điện tỉnh Vĩnh Phúc Lê Đình Tuyến cho biết: Phát huy vai trò của doanh nghiệp bưu chính hàng đầu với cơ sở hạ tầng hiện đại và mạng lưới bưu chính rộng khắp, Bưu điện tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo ra nhiều giá trị mới, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn tỉnh. Với sự nỗ lực không ngừng, đơn vị luôn bám sát chủ trương phát triển của tỉnh, phối hợp với chính quyền các cấp đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính. Đồng thời phối hợp với các hội, đoàn thể, sàn thương mại điện tử mở rộng thị trường tiêu thụ cho hàng hóa, nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh.
Vừa qua, Bưu điện tỉnh ký kết hợp tác với Sở Tư pháp cấp phiếu lý lịch tư pháp trực tuyến cho công dân tại bưu điện văn hóa xã. Hỗ trợ chuyển phát căn cước công dân, bằng lái xe…, cắt cử người trực tại Trung tâm Phục vụ hành chính công, bộ phận một cửa các huyện, thành phố, mở rộng dịch vụ chuyển phát, đáp ứng nhu cầu của công dân.
Quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 11% năm 2024, ngay từ đầu năm, Bưu điện tỉnh tập trung hoàn thành tốt các mảng dịch vụ công ích làm nền tảng để khẳng định thương hiệu. Cùng với đó, tập trung tối đa nhân lực, khai thác tốt mảng thương mại điện tử là mảng kinh doanh chính, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp.
Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ chuyển phát, các hoạt động thu gom được đảm bảo phủ kín địa bàn phục vụ khách hàng, đáp ứng yêu cầu cam kết về thời gian, tần suất, địa điểm, chỉ tiêu thu gom, trả trạng thái thu gom ngay trong ca thu gom. Bố trí nhân lực thu gom và khớp nối gắn liền với hoạt động của các bưu cục, bưu điện văn hóa xã, sàn khai thác và đường thư vận chuyển liên quan để đảm bảo chỉ tiêu dịch vụ cam kết.
Sử dụng phần mềm P&S thu gom, App Dingdong để quản trị hoạt động điều tin thu gom. Quản lý giám sát hoạt động thu gom, cập nhật thông tin thu gom trên App Dingdong. Trên hệ thống cập nhật đầy đủ thông tin họ tên, địa chỉ chi tiết đến xã/phường của người gửi, người nhận. Từ đó khai thác, chia, chọn đúng hướng và hệ thống xác định đúng, đầy đủ vùng phát nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và thu nhập cho bưu tá.
7 tháng năm 2024, doanh thu ngành thương mại điện tử của đơn vị chiếm tỷ trọng 50%, ước đạt hơn 31 tỷ đồng, hoàn thành 42,8% kế hoạch, tăng 5,5% so cùng kỳ 2023. Đây là tín hiệu rất tích cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn.
Để thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử, mở rộng thị trường cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn, Bưu điện tỉnh xây dựng một số kênh vận chuyển riêng biệt cho từng mặt hàng với giá cước ưu đãi, phù hợp.
Đơn cử như các loại hàng nặng, cồng kềnh, đồ gia dụng tại làng nghề thuộc các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc, Tam Dương; mặt hàng thời trang, mỹ phẩm thuộc thành phố Vĩnh Yên, Phúc Yên; cây cảnh, cây giống, nông sản thuộc huyện Lập Thạch, Sông Lô. Đẩy mạnh liên kết với các sàn thương mại điện tử như Shopee, Tiktok… nhằm gia tăng doanh số.
Triển khai các chương trình, phong trào thi đua thúc đẩy dịch vụ, bổ sung chi phí trên đối tượng phát triển mới, thi đua phát triển doanh thu bảo hiểm xã hội theo chương trình của Công đoàn, thi đua ngày ra quân…
Phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội và địa phương triển khai ký kết hợp đồng cộng tác viên với trưởng thôn tại các huyện Lập Thạch, Bình Xuyên, Tam Đảo, Yên Lạc.
Với các kênh bán lẻ, phát động ngày bán hàng “Văn hóa xã” nhằm thúc đẩy tăng trưởng doanh thu và năng suất bán hàng. Rà soát, loại bỏ các sản phẩm có doanh số thấp, bổ sung sản phẩm mới, thương hiệu vào kênh bán.
Bài, ảnh: Chu Kiều