Bác sĩ cảnh báo, nếu việc hồi sức không kịp thời, chức năng thần kinh của bệnh nhân bị điện giật có thể không hồi phục, não mê man vĩnh viễn và sống thực vật.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, thạc sĩ, bác sĩ Giang Minh Nhật, Phó trưởng khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, thời gian qua nơi đây đã tiếp nhận một trường hợp gặp tai nạn rất nguy kịch.
Khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Bệnh nhân là anh T. (34 tuổi). Khai thác bệnh sử, thời điểm xảy ra sự việc, bệnh nhân đang ở một công trình xây dựng. Trong lúc ăn trưa, người đàn ông cắm dây cho quạt máy chạy thì vô ý đưa tay vào ổ điện và bị điện giật nặng.
Khi được đồng nghiệp đưa vào viện, bệnh nhân đã ngưng tim, suy đa cơ quan, tổn thương cơ tim.... Dù được các bác sĩ khẩn cấp hồi sức có tim trở lại, bệnh nhân vẫn trong cơn nguy kịch, suy hô hấp, tụt huyết áp, choáng tim…
Trước tình trạng này, ekip điều trị quyết định cho bệnh nhân chạy ECMO (hồi sinh tim phổi nhân tạo), hạ thân nhiệt, lọc máu liên tục. Sau khoảng 5 ngày điều trị, anh T. được cai ECMO, chức năng tim có cải thiện nhưng vẫn phải thở máy, điều trị kháng sinh, theo dõi tổn thương não sau ngưng tim.
Đáng chú ý, vì phải sử dụng các biện pháp can thiệp phức tạp, chi phí điều trị của bệnh nhân đội lên rất cao. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình còn nợ khoảng 120 triệu đồng viện phí.
Bệnh nhân bị điện giật ngưng tim, suy đa cơ quan.
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa 1 Võ Văn Trắng, khoa Hồi sức tim mạch, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TPHCM) cho biết, tháng nào nơi đây cũng tiếp nhận xử trí cho những ca bị điện giật. Thông thường, bệnh nhân sẽ bị tổn thương cơ tim thoáng qua, ảnh hưởng chức năng tim.
Các trường hợp nặng đến mức ngưng tim, ngưng thở hiếm hơn, nhưng thỉnh thoảng vẫn có. Nguyên nhân có thể do bệnh nhân tiếp xúc với nguồn điện cao áp, hoặc thời gian tiếp xúc dài mà không được cách ly ra khỏi nguồn điện.
Người bị điện giật sẽ được chỉ định nhập viện vài ngày để theo dõi chức năng tim, đánh giá lại men tim, cơ tim. Tùy theo mức độ tổn thương đến đâu, bác sĩ sẽ có phác đồ điều trị phù hợp. Trong trường hợp nặng, tổn thương tim không hồi phục, bắt buộc bệnh nhân phải được thực hiện biện pháp chạy ECMO để làm công việc co bóp thay cho tim.
Bác sĩ cảnh báo, bệnh nhân bị điện giật không được hồi sức kịp thời có thể biến chứng nặng, não không hồi phục.
"Thông thường, bệnh nhân bị điện giật ngưng tim sẽ diễn tiến tổn thương đa cơ quan, với 3 cơ quan chính là não, thận, gan. Nếu việc hồi sức chậm, chức năng thần kinh có thể không hồi phục, nghĩa là não bệnh nhân sẽ mê man và sống thực vật.
Song song đó, viện phí điều trị sẽ rất cao với người không bảo hiểm y tế, gấp 5 lần những trường hợp có bảo hiểm", bác sĩ Trắng nói.
Bác sĩ khuyến cáo, người dân cần cẩn trọng khi sử dụng điện ở nhà lẫn công trình, nơi làm việc, nhất là trong mùa mưa bão như hiện nay, vì nguy cơ bị điện giật sẽ cao hơn. Khi phát hiện nạn nhân bị điện giật, người xung quanh cần tìm cách tách bệnh nhân khỏi nguồn điện, sau đó kiểm tra tình trạng của họ.
Nếu bệnh nhân có ngưng tim, ngưng thở phải tiến hành sơ cứu ban đầu (như ấn tim ngoài lồng ngực), sau đó đưa bệnh nhân đến bệnh viện càng sớm càng tốt.
Dương Chung (Theo dantri.com.vn)