Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, huyện Sông Lô đã và đang triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay ưu đãi, hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm... góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống và thoát nghèo bền vững.
Là huyện miền núi với tỷ lệ hộ nghèo cao hơn so với các địa phương khác trong tỉnh nên công tác giảm nghèo luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn huyện Sông Lô quan tâm, thực hiện có hiệu quả.
Nếu như đầu năm 2016, toàn huyện còn 1.923 hộ nghèo, chiếm 7,34% và 1.475 hộ cận nghèo, chiếm 5,63% thì đến năm 2023, số hộ nghèo của huyện giảm còn 249 hộ, chiếm 0,84%, giảm 0,59% so với cuối năm 2022.
Ông Vũ Văn Tuấn, Phó Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Sông Lô cho biết: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hộ nghèo, cận nghèo mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, huyện đã triển khai thực hiện kịp thời các chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội như hỗ trợ chi phí học tập, tiền điện, nhà ở, vốn vay ưu đãi, cấp thẻ BHYT.
Hằng năm, tổ chức ký cam kết thực hiện mục tiêu giảm nghèo gắn với giải quyết việc làm giữa các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, UBND các xã, thị trấn và Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện.
Thực tế, sau 10 năm (2014-2024) thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sông Lô đã hỗ trợ 15.562 hộ vay vốn tín dụng chính sách ưu đãi với tổng số tiền gần 556 tỷ đồng. Nguồn vốn trên đã giúp hàng chục nghìn hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Nguồn vốn vay ưu đãi đã giúp gia đình bà Nguyễn Thị Tình, thị trấn Tam Sơn đầu tư nuôi gà, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Là hộ nghèo của thị trấn, có lúc gia đình bà Nguyễn Thị Tình, tổ dân phố Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn gặp không ít khó khăn bởi gánh nặng tiền chữa bệnh hiểm nghèo hằng tháng. Hơn 1 năm nay, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sông Lô, gia đình bà có điều kiện mở rộng quy mô chăn nuôi gà thương phẩm, lợn sinh sản, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bà Tình chia sẻ: Nguồn vốn tín dụng chính sách như “đòn bẩy” giúp gia đình mạnh dạn đầu tư, phát triển chăn nuôi. Với 4.000 con gà, hơn 10 con lợn thương phẩm, mỗi năm, gia đình tôi thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sông Lô nỗ lực đưa đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng và phát huy hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sông Lô cho biết: Xác định tín dụng chính sách xã hội là một trong những nguồn lực quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Sông Lô tích cực tuyên truyền, phối hợp với chính quyền địa phương, các đơn vị ủy thác, tổ tiết kiệm và vay vốn tích cực điều tra, rà soát, xác định đối tượng vay vốn các chương trình tín dụng chính sách giúp hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách được thụ hưởng vốn vay ưu đãi kịp thời. Tính đến ngày 30/6/2024, tổng dư nợ của đơn vị đạt gần 485 tỷ đồng, tăng 0,1% so với đầu năm.
Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sông Lô luôn tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách tiếp cận vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh.
Song hành với việc hỗ trợ vốn vay, huyện Sông Lô phối hợp với các cấp, ngành hỗ trợ đào tạo nghề, đẩy mạnh công tác an sinh, cung cấp thông tin thị trường lao động, việc làm và có những cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển trên địa bàn.
Năm 2023, trên địa bàn huyện có 2.140 lao động được tạo việc làm mới, tăng 5,31% so với cùng kỳ; đưa 140 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 25% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động qua đào tạo ước đạt 83%, tăng 0,55% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, các hoạt động thăm hỏi, tặng quà hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các đối tượng bảo trợ xã hội nhân dịp lễ, Tết được quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt.
Với nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, công tác giảm nghèo ở Sông Lô đạt được những kết quả quan trọng. Không chỉ thu nhập, đời sống vật chất, tinh thần của hộ nghèo, cận nghèo được nâng lên mà các hộ đã nhận thức rõ trách nhiệm, nỗ lực vượt khó vươn lên, quyết tâm thoát nghèo bền vững.
Tiếp tục thực hiện mục tiêu giảm nghèo hiệu quả, thời gian tới, huyện Sông Lô đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân, đặc biệt là hộ nghèo về công tác giảm nghèo. Tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình hỗ trợ sinh kế cho người nghèo phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Bài, ảnh: Hồng Tính