Tắt sóng 2G là yêu cầu mang tính thời đại nhằm đảm bảo tối ưu hạ tầng, nguồn lực cho các thế hệ mạng công nghệ hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia. Để việc tắt sóng 2G được thực hiện theo đúng lộ trình và không gây gián đoạn thông tin liên lạc, bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) phối hợp với các nhà mạng trên địa bàn tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án, triển khai nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân chuyển đổi.
Nhân viên Trung tâm Viễn thông Vĩnh Yên, VNPT Vĩnh Phúc tuyên truyền, hướng dẫn người dân đang sử dụng thuê bao 2G chuyển đổi lên thuê bao 4G. Ảnh: Trà Hương
Bắt đầu “mở sóng” từ năm 1993, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới áp dụng công nghệ 2G (GMS), tạo ra bước nhảy vọt đối với sự phát triển của viễn thông trong nước, từng bước đưa nước ta trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ người dân dùng mạng di động lớn nhất toàn cầu.
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, ngày càng nhiều mạng di động mới hiện đại, tối ưu hơn như 4G, 5G ra đời, đem đến những trải nghiệm tốt hơn cho người dùng, nhất là hỗ trợ internet thông suốt trên các thiết bị thông minh, đáp ứng yêu cầu của quá trình chuyển đổi số quốc gia đang diễn ra mạnh mẽ, toàn diện.
Trong khi đó, những thiết bị công nghệ 2G đời cũ đã không còn đáp ứng được yêu cầu trở thành “công dân số” trong thời đại số hóa toàn cầu hiện nay, bộc lộ nhiều lỗ hổng bảo mật thông tin, tiềm ẩn rủi ro cho người dùng.
Chủ trương dừng công nghệ 2G phù hợp với xu thế chung của thế giới, giúp người dân được cung cấp các dịch vụ tốt hơn, tiện ích hơn, thúc đẩy người dân chuyển sang dùng dịch vụ viễn thông tốc độ nhanh, chất lượng cao hơn, góp phần hoàn thành mục tiêu “Mỗi người dân một máy điện thoại thông minh”, phổ cập điện thoại thông minh đến tất cả người dân Việt Nam.
Đồng thời loại bỏ công nghệ cũ, lạc hậu, giải phóng băng tần, tiết kiệm được tài nguyên dành cho các công nghệ mới, mang lại hiệu quả cao hơn; thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Tại Vĩnh Phúc, hạ tầng viễn thông không ngừng phát triển, hiện toàn tỉnh có 3.100 trạm thu phát sóng di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100% và đã phát sóng 2 trạm 5G của Viettel; có 1.350.000 thuê bao điện thoại di động đang hoạt động thông qua 5 nhà cung cấp dịch vụ là Viettel Vĩnh Phúc, VNPT Vĩnh Phúc, FPT Vĩnh Phúc, Công ty SCRV và VTVcap.
Thực hiện lộ trình tắt sóng 2G, Sở TT&TT tích cực phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông khảo sát hiện trạng thuê bao sử dụng sóng 2G; xây dựng phương án và các chương trình cụ thể nhằm hỗ trợ khách hàng dừng sóng 2G, tập trung vào việc hỗ trợ thiết bị đầu cuối và hỗ trợ cước di động để khách hàng chủ động chuyển đổi sang sử dụng điện thoại thông minh.
Thực hiện kế hoạch tắt sóng 2G, 2 năm qua, VNPT Vĩnh Phúc đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh ít lưu lượng; xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để đảm bảo đến tháng 9/2024 thực hiện chuyển đổi tất cả thuê bao, thiết bị chỉ hỗ trợ mạng 2G.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo quyền lợi và không ảnh hưởng tới trải nghiệm của khách hàng khi thực hiện tắt sóng 2G, VNPT triển khai các phương án hỗ trợ chuyển đổi tối ưu cho người dùng.
Đồng chí Tô Minh Đức, Phó Giám đốc Trung tâm Kinh doanh VNPT Vĩnh Phúc cho biết: “VNPT Vĩnh Phúc hiện có hơn 200 nghìn khách hàng sử dụng thuê bao di động; 450 trạm thu phát sóng di động trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, đến tháng 7/2024, trên địa bàn tỉnh còn khoảng 7.400 khách hàng của VNPT đang sử dụng thuê bao 2G Only, trong đó có khoảng 2.000 thuê bao có phát sinh cước gọi, chiếm khoảng 1% tổng số khách hàng.
Thời gian qua, VNPT Vĩnh Phúc đã đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương tắt sóng 2G bằng việc chủ động gọi điện, nhắn tin tuyên truyền chủ trương, lộ trình dừng công nghệ 2G tới khách hàng; tuyên truyền tại các điểm giao dịch, điểm bán hàng lưu động, qua áp phích, tờ rơi…
Bên cạnh đó, VNPT Vĩnh Phúc đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho khách hàng chuyển đổi như: Hỗ trợ toàn bộ chi phí hoặc một phần chi phí cho khách hàng khi chuyển đổi từ thiết bị 2G sang điện thoại 3G/4G/5G kèm gói cước cam kết; tặng 30GB data (dữ liệu) tốc độ cao miễn phí (1GB/ngày trong 30 ngày); tặng gói truyền hình MyTV trải nghiệm; miễn phí đổi sim 4G…”.
Để đảm bảo thực hiện lộ trình tắt sóng 2G theo kế hoạch, góp phần đẩy nhanh tiến độ phổ cập điện thoại thông minh, thúc đẩy chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh, Sở TT&TT tiếp tục phối hợp với các nhà mạng triển khai chương trình, giải pháp hỗ trợ khách hàng.
Đồng thời tuyên truyền sâu rộng đến người dân về chủ trương, lộ trình dừng công nghệ di động 2G và chủ động chuyển đổi sang sử dụng máy điện thoại công nghệ 4G trở lên; đặc biệt là đối với các chủ thuê bao là người già, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, hộ nghèo…
Theo kế hoạch của Bộ TT&TT, lộ trình dừng công nghệ 2G thực hiện theo 2 giai đoạn: Từ ngày 16/9/2024 sẽ dừng cung cấp dịch vụ cho thuê bao 2G Only, nhưng mạng lưới 2G vẫn được duy trì đến ngày 16/9/2026 để làm một số nhiệm vụ; từ ngày 16/9/2026, hệ thống 2G sẽ dừng hoạt động, trừ trường hợp cung cấp dịch vụ tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, nhà giàn DK.
Lê Mơ