Nhằm thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong xây dựng nông thôn mới (NTM), góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân, các địa phương trên địa bàn tỉnh tích cực xây dựng thôn thông minh trên nền tảng số. Qua đó giúp người dân có cơ hội được tiếp cận gần hơn với các ứng dụng công nghệ số, từng bước đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số toàn diện.
Người dân thôn Vân Nội, xã Vân Hội (Tam Dương) thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán trực tuyến khi mua hàng. Ảnh: Dương Chung
Theo kế hoạch năm 2024, huyện Tam Dương có 3 xã Hợp Thịnh, Vân Hội, Thanh Vân đăng ký xây dựng đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu. Đồng thời, có 5 thôn: Viên Du Hòa, Phú Ninh (xã Thanh Vân); Thọ Khánh (xã Hợp Thịnh); Vân Nội (xã Vân Hội) được lựa chọn để xây dựng thôn đạt chuẩn thôn thông minh. Đến nay, về cơ bản các xã đã hoàn thành các nội dung của tiêu chí và đủ điều kiện đạt chuẩn theo quy định.
Phó Chủ tịch UBND xã Vân Hội Nguyễn Văn Tố cho biết: Để hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn xã NTM kiểu mẫu trong năm 2024, xã Vân Hội đã lựa chọn thôn Vân Nội xây dựng thôn thông minh nhằm đảm bảo quy định xã NTM kiểu mẫu có ít nhất một mô hình thôn thông minh.
Nhận thức đây là mô hình hay, phù hợp xu thế tất yếu của thời đại công nghệ 4.0, xã Vân Hội đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số.
Đến nay, 100% hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thôn Vân Nội đã ứng dụng internet, các mạng xã hội (Zalo, Facebook, Tiktok…), kênh thương mại điện tử để quảng bá, bán sản phẩm; 100% cán bộ thôn cài đặt ứng dụng Zalo để thực hiện công tác truyền thông, cung cấp thông tin cho người dân trong xã.
Nhà văn hóa thôn và các điểm sinh hoạt công cộng được lắp đặt wifi miễn phí. 100% các tuyến đường trục thôn, các điểm sinh hoạt và công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn thôn có hệ thống camera an ninh.
Hơn 90% người dân trong thôn ở độ tuổi lao động có điện thoại thông minh; hơn 80% người dân trong độ tuổi lao động có tài khoản thanh toán điện tử để thực hiện việc chuyển, rút tiền từ tài khoản, nộp tiền học phí, thanh toán tiền điện, nước, mua bán hàng trực tuyến, thanh toán lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến…
Là thôn đầu tiên trên địa bàn tỉnh hoàn thành tiêu chí thôn NTM thông minh, diện mạo thôn Chùa, xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) đã có những thay đổi rõ rệt. Cơ sở hạ tầng được đầu tư sửa chữa, xây mới; các trục đường, tuyến đường liên xã, liên thôn đều được trải nhựa, mở rộng, nâng cấp…
Với sự quyết tâm, vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo xã và sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, 100% hộ dân trong thôn đã được gắn mã địa chỉ trên nền tảng bản đồ số, xác định vị trí tọa độ trên GPS để kết hợp với các dịch vụ tiện ích khác như bản đồ dịch tễ, bản đồ vùng an toàn dịch bệnh, bản đồ du lịch…
Nhà văn hóa thôn được lắp đặt wifi miễn phí; các địa điểm công cộng và các hộ dân đều được phủ sóng 3G, 4G mang lại nhiều tiện ích cho người dân khi có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, văn hóa - văn nghệ - thể thao, học tập, giải trí; việc đóng tiền điện, nước, nộp học phí, mua bán hàng hóa cũng được thực hiện thuận tiện hơn.
Đặc biệt, cán bộ thôn cũng đã ứng dụng nền tảng công nghệ số để thông tin các chủ trương, chính sách đến người dân một cách nhanh chóng, kịp thời.
Hiện, Ban phát triển xây dựng thôn thông minh thôn Chùa đã tạo lập trang Zalo “Thôn Chùa với pháp luật” và trang Facebook “Thôn Chùa, Ngũ Kiên miền quê đáng sống” để tuyên truyền đến nhân dân về nếp sống văn minh, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; cập nhật lịch tiêm phòng cho gia súc gia cầm, lịch gieo cấy, kế hoạch phòng, chống thiên tai…
Toàn tỉnh hiện có 177 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn NTM kiểu mẫu; 2 thôn thông minh; 34 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Bên cạnh những địa phương đã cán đích, việc triển khai xây dựng thôn NTM thông minh trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn như: Chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí y tế liên quan đến việc xây dựng sổ khám chữa bệnh điện tử; hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ở một số địa phương như điện lưới, sóng điện thoại, điện thoại thông minh, máy tính… chưa đầy đủ; một số người dân, đặc biệt người cao tuổi vẫn còn tâm lý e ngại khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến do trình độ hiểu biết về công nghệ thông tin còn hạn chế, trong khi đó, một số dịch vụ công trực tuyến còn phức tạp về hồ sơ và quy trình thực hiện...
Mặc dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc, song, việc nhân rộng mô hình thôn thông minh là cần thiết, góp phần xây dựng nông thôn văn minh, hiện đại, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Để thúc đẩy tiến trình xây dựng thôn thông minh, hướng đến xã thông minh, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, tư duy cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về chuyển đổi số trong xây dựng NTM. Quan tâm đào tạo, tập huấn kiến thức về chuyển đổi số, nhất là ở khu vực nông thôn.
Chú trọng xây dựng chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh xã hội hóa trong phát triển hạ tầng số ở các thôn, xã; nâng cao chất lượng và năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân… Phấn đấu hết năm 2024, toàn tỉnh có 27 thôn được công nhận đạt chuẩn thôn thông minh; 2 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTM thông minh.
Minh Nguyệt