Với hệ thống các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, lễ hội truyền thống, làng nghề… đa dạng, phong phú, những năm gần đây, huyện Vĩnh Tường triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, đem lại kết quả bước đầu. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng, lợi thế sẵn có để phát triển du lịch chưa được thực hiện một cách bài bản, hiệu quả.
Khu di tích đền Đá, xã Phú Đa thu hút nhiều du khách đến tham quan, tìm hiểu giá trị văn hóa, lịch sử. Ảnh: Kim Ly
Là vùng đất cổ giàu truyền thống văn hóa, lịch sử, Vĩnh Tường có nhiều di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu như đình Thổ Tang (di tích Quốc gia đặc biệt), chùa Tùng Vân (thị trấn Thổ Tang); đền Đá (xã Phú Đa); đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh); cụm di tích đình, chùa Hệ (xã Vĩnh Thịnh)… Cùng nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc như Lễ hội Rước nước đền Ngự Dội, Lễ hội xã Đại Đồng; thắng cảnh nổi tiếng như đầm Rưng (thị trấn Tứ Trưng), vực Xanh (thị trấn Vĩnh Tường)…
Để thu hút khách du lịch đến Vĩnh Tường, huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông kết nối với các điểm du lịch; quy hoạch, đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái đầm Rưng, đền Phú Đa, vực Xanh; khôi phục và bảo tồn các lễ hội truyền thống; tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa đã được xếp hạng như đền Ngự Dội (xã Vĩnh Ninh), Khu lưu niệm Bác Hồ (xã Bình Dương)…; hoàn thiện quy hoạch các làng nghề, đầu tư phát triển theo hướng công nghiệp dịch vụ và du lịch; xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối các điểm đến để thu hút du khách; kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; tăng cường quảng bá hình ảnh các điểm đến trên phương tiện truyền thông đại chúng, mạng xã hội…
Năm 2023, huyện Vĩnh Tường có 4 thôn, làng được tỉnh lựa chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) gồm thôn Đông, xã Phú Đa; thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh; thôn Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh; thôn Bàn Mạch, xã Lý Nhân.
Các thôn được đầu tư xây dựng Khu thiết chế văn hóa - thể thao khang trang, đồng bộ, hiện đại, kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn. Nhiều di tích được đầu tư tu bổ, tôn tạo như chùa Hệ, đền Ngự Dội, đình Bàn Mạch, nhà thờ Tổ nghề rèn Bàn Mạch... Một số lễ hội truyền thống được khôi phục và phát huy.
Các hộ dân được hỗ trợ vốn để xây dựng các mô hình cửa hàng tiện lợi, sản phẩm OCOP, nhà hàng ăn uống, mô hình du lịch cộng đồng. Đến nay, huyện có 3 địa phương đăng ký triển khai mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Đông, xã Phú Đa; thôn Hệ, xã Vĩnh Thịnh; thôn Ngự Dội, xã Vĩnh Ninh. Việc xây dựng LVHKM giúp các địa phương khai thác, phát huy lợi thế sẵn có để phát triển du lịch.
Ngoài phát triển nghề truyền thống, nhiều địa phương trong huyện quan tâm phát triển du lịch làng nghề thông qua việc liên kết với các đơn vị lữ hành đưa đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham quan, trải nghiệm tại các làng nghề như làng rắn Vĩnh Sơn, làng nghề rèn xã Lý Nhân, làng nghề mộc Bích Chu, xã An Tường…
Đến làng rắn Vĩnh Sơn, du khách được tham quan khu chăn nuôi, tìm hiểu quy trình nuôi rắn, thưởng thức các món ăn ngon chế biến từ rắn, mua các sản phẩm chế biến từ rắn để sử dụng hoặc làm quà tặng.
Du khách đến tham quan làng nghề rèn Lý Nhân sẽ được tìm hiểu quy trình sản xuất các sản phẩm; tự tay thực hiện một số công đoạn đơn giản trong quy trình sản xuất như đe, mài…; tìm hiểu lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề rèn; mua các sản phẩm của làng nghề về sử dụng hoặc làm quà tặng.
Việc khai thác các giá trị của làng nghề để phát triển du lịch bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Mỗi tháng, làng nghề rắn Vĩnh Sơn đón khoảng 1.000 lượt khách; làng nghề rèn Lý Nhân đón gần 1.500 lượt khách đến tham quan. Tuy nhiên, du khách chủ yếu là người nước ngoài; các hoạt động tham quan, trải nghiệm chưa phong phú, đa dạng.
Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Vĩnh Tường Nguyễn Thanh Tùng cho biết: "Việc triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch giúp ngành Du lịch huyện Vĩnh Tường có những bước tiến mới. Tuy nhiên, lượng du khách đến Vĩnh Tường còn ở mức khiêm tốn (khoảng 50 nghìn lượt khách/năm).
Huyện chưa thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch, xây dựng các khu du lịch sinh thái quy mô trên địa bàn; các sản phẩm, quà tặng du lịch chưa đa dạng, thiếu hấp dẫn; dịch vụ du lịch nghèo nàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách; công tác quảng bá, xúc tiến du lịch chưa thường xuyên, hiệu quả".
Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, trong đó, chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực du lịch; hỗ trợ xây dựng các sản phẩm OCOP, quà tặng lưu niệm; tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến du lịch trên các nền tảng số; đa dạng các dịch vụ du lịch… để thu hút du khách, thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao thu nhập cho người dân.
Bạch Nga