Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, những năm qua, huyện Tam Đảo đã tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển. Trong đó, việc đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật được xem là yếu tố mở đường cho phát triển du lịch, góp phần kết nối các khu, điểm, tour, tuyến du lịch nội và ngoại tỉnh một cách hiệu quả.
Là huyện trọng điểm về phát triển du lịch của tỉnh, những năm qua, việc đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển du lịch tại Tam Đảo luôn được tỉnh, huyện quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo, mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ kết nối giữa các địa điểm du lịch.
Đặc biệt, khu du lịch Tam Đảo, khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Tây Thiên tiếp tục được đầu tư trở thành công trình trọng điểm kết hợp bảo tồn di sản văn hóa vật thể, phi vật thể với phát triển du lịch tâm linh.
Khu du lịch Tam Đảo được đầu tư, chỉnh trang, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ảnh: Nguyễn Lượng
Chỉ tính riêng năm 2023, ngân sách tỉnh, huyện đã đầu tư hơn 27,5 tỷ đồng nâng cấp các hạng mục như đường nối cầu Đồng Dầu, qua suối Đùm, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) với đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến khu danh thắng Tây Thiên, thị trấn Đại Đình (Tam Đảo); đường từ đền Cả Tam Quan vào đền Mẫu Sinh, thị trấn Đại Đình; cải tạo, nâng cấp sân khu đền Thỏng, khu Trung tâm Văn hóa lễ hội Tây Thiên…
Trước đó, năm 2022, tỉnh đã bổ sung có mục tiêu cho ngân sách huyện để đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch Tam Đảo với tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng cho các dự án: Cải tạo, nâng cấp ĐH.62 đoạn nối từ ĐT.302 cầu Bồ Lý - Yên Dương đến đường Tây Thiên - Tam Sơn; đường giao thông phía Bắc và phía Nam - khu công viên cây xanh Tây Thiên, thị trấn Đại Đình; hỗ trợ các công trình phục vụ du lịch, dịch vụ tại khu du lịch quốc gia Tam Đảo; cải tạo, nâng cấp trạm xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải tại thị trấn Tam Đảo; cải tạo, nâng cấp cổng, đường, lan can và cảnh quan khu thác Bạc, thị trấn Tam Đảo...
Cùng với sự quan tâm đầu tư của tỉnh, huyện, hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch trọng điểm trong huyện cơ bản được hoàn thiện; các tuyến đường nối từ trục thôn, xóm đến các điểm du lịch được mở rộng và bê tông hóa, tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các tour, tuyến, phát triển du lịch.
Ngoài ra, quy mô và chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch trong huyện không ngừng phát triển. Toàn huyện hiện có gần 200 cơ sở lưu trú với hơn 3.500 phòng đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch (trong đó có 1 resort; 1 khách sạn 4 sao; 7 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao).
Với tiềm năng sẵn có cùng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật được quan tâm đầu tư, Tam Đảo giờ đây đã không còn là cái tên xa lạ trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Các loại hình du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch lễ hội, du lịch tâm linh... tiếp tục phát triển. Trong 6 tháng đầu năm 2024, toàn huyện đón hơn 778 nghìn lượt khách, đạt 52% kế hoạch năm.
Nhiều du khách check-in tại Nhà thờ đá Tam Đảo. Ảnh: Nguyễn Lượng
Tuy vậy, quy hoạch các khu, điểm du lịch trong huyện Tam Đảo mặc dù đã hướng đến sự gắn kết nhưng chưa đồng bộ, nhất là hạ tầng đường giao thông. Ngoài ra, quá trình triển khai thi công các công trình, dự án đầu tư phát triển hạ tầng du lịch còn chậm.
Trước thực tế đó, trong Kế hoạch phát triển du lịch giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030 mới được UBND huyện Tam Đảo ban hành tháng 6 vừa qua, huyện xác định đầu tư xây dựng hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch là 1 trong 5 nội dung trọng tâm cần triển khai.
Theo đó, trong thời gian tới, Tam Đảo sẽ tập trung triển khai thực hiện các dự án giao thông đã được phê duyệt. Huy động nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để sớm đầu tư cải tạo, xây mới các tuyến giao thông trên địa bàn.
Tiếp tục đầu tư cải tạo, nâng cấp các đoạn đường, tuyến đường nối vào các di tích, các điểm du lịch nhằm đảm bảo giao thông thuận lợi, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch.
Tiếp tục đầu tư các nguồn lực để tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử văn hóa, tín ngưỡng gắn với phát triển du lịch, bảo vệ cảnh quan các điểm tham quan, di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn.
Ngoài ra, huyện chỉ đạo các đơn vị tập trung đầu tư phát triển bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin với độ phủ sóng rộng khắp, tốc độ và chất lượng cao theo hướng hiện đại.
Cung cấp đa dạng các dịch vụ theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng về thông tin, liên lạc, nhất là ở các khu trung tâm kinh tế, các khu du lịch trọng điểm, nhằm từng bước phát triển du lịch Tam Đảo thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện, an toàn cho du khách với mục tiêu phấn đấu đón khoảng 4 triệu lượt khách vào năm 2030.
Nguyễn Hường