Phát huy tiềm năng, lợi thế, nguồn lực để đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, quy mô GRDP trong nhóm 15 tỉnh, thành phố đứng đầu cả nước, những năm qua, tỉnh xác định cần chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm.
Kiên định mục tiêu “Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng”
Kiên định mục tiêu"Lấy phát triển công nghiệp làm nền tảng", coi đây là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản tập trung lãnh đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả chính sách thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển.
Lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá nhằm phát triển công nghiệp theo chiều sâu. (Trong ảnh: Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH Jahwa Vina, KCN Khai Quang). Ảnh: Thế Hùng
Đến nay, sau 27 năm tái lập tỉnh, ngành công nghiệp đã thực sự là động lực, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) và thu ngân sách tỉnh, trở thành ngành xuất khẩu chủ đạo với tốc độ tăng trưởng luôn ở mức cao.
Giai đoạn 2011 - 2023, công nghiệp của tỉnh duy trì nằm trong nhóm 15 địa phương có đóng góp cao nhất trong tổng giá trị tăng thêm (GTTT) của ngành công nghiệp cả nước. Tính riêng giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng GTTT ngành công nghiệp đạt trung bình 13%/năm.
Đóng góp cao trong giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đến từ các doanh nghiệp sản xuất ô tô và xe máy đang hoạt động trên địa bàn tỉnh gồm Công ty Ô tô Toyota Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam, Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, Công ty TNHH Daewoo Việt Nam,… với sản lượng trung bình đạt 57.780 xe ô tô/năm và hơn 2 triệu xe máy/năm.
Từ việc đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm ô tô và xe máy của tỉnh, đã ảnh hưởng tích cực đến thu hút đầu tư và thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác của tỉnh phát triển như sản xuất hóa chất, nhựa, cao su, thiết bị điện...
Đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, đặc biệt là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ô tô, xe máy, gia công sản xuất linh kiện điện tử đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm nghìn người lao động trong và ngoài tỉnh.
Với những cơ hội mở ra trong công tác thu hút dòng "vốn ngoại" (FDI) đầu tư vào nước ta những năm gần đây, dự báo thời gian tới, ngành công nghiệp của tỉnh sẽ có nhiều cơ hội phát triển, tiếp tục có những đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế cũng như góp phần vào bước chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp và tăng dần tỷ trọng lao động ngành công nghiệp, dịch vụ.
Tạo đột phá đưa Vĩnh Phúc trở thành tỉnh công nghiệp phát triển
Mặc dù có sự phát triển nhanh, song, nhìn chung, ngành công nghiệp của tỉnh chưa thực sự phát triển bền vững và phát triển mạnh theo chiều sâu với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao; chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nhiều ngành công nghiệp chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế; khoa học - công nghệ chưa là động lực quan trọng để phát triển.
Sự phát triển công nghiệp chưa gắn kết chặt chẽ với các ngành kinh tế khác, khả năng tham gia của các doanh nghiệp vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu còn hạn chế do phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực sản xuất, công nghệ, tài chính, quản trị còn nhiều mặt hạn chế, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp.
Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp, tỷ lệ giá trị tăng thêm/giá trị sản xuất ngành công nghiệp (VACN/GOCN) thấp và có xu hướng giảm dần (nếu như năm 2010 là 16,3%, năm 2015 là 15,5% thì đến năm 2023 chỉ là 8,15%).
Các cơ sở đào tạo nghề từng bước nâng cao chất lượng đào tạo nghề, gắn với nhu cầu thực tiễn của dooanh nghiệp. Ảnh: Thế Hùng
Nguồn nhân lực chưa đáp ứng tốt yêu cầu, thiếu lao động kỹ thuật có trình độ tay nghề cao. Các khu công nghiệp chủ yếu phát triển theo mô hình đa ngành, chưa có sự liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp để tạo nên cụm ngành liên kết.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước và đến năm 2030, trở thành tỉnh phát triển, có kết cấu hạ tầng KT - XH đồng bộ, hiện đại, cơ bản đủ các tiêu chí của thành phố trực thuộc Trung ương.
Hiện thực hóa mục tiêu này và theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu năm nay, phát triển công nghiệp theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng gắn với đảm bảo các điều kiện về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, đòi hỏi tỉnh cần tiếp tục hoàn thiện các chính sách phát triển hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp tạo động lực thu hút đầu tư gắn kết với sự phát triển của vùng Thủ đô Hà Nội và tăng cường liên kết các hoạt động kinh tế với các tỉnh lân cận.
Tập trung lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp có tính đột phá. Tăng cường hợp tác, liên kết phát triển vùng, liên kết giữa doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp nước ngoài, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng các mô hình cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, tạo dựng chuỗi liên kết lao động với các doanh nghiệp...
Lưu Nhung