Sở hữu mảnh đất ở mặt phố, giá trị tiền tỷ nhưng đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy cuộc sống thật tẻ nhạt vì cách sinh hoạt của chồng.
Tôi và chồng cưới nhau đã hơn 10 năm. Nhìn vào cuộc sống của chúng tôi, mọi người đều cảm thấy thoải mái và hạnh phúc. Trong khi nhiều bạn bè còn phải ở trọ, vợ chồng tôi đã có nhà riêng, không gian rộng rãi.
Sau khi cưới 3 năm, mẹ chồng tôi cho mảnh đất ở mặt đường lớn. Gia đình bên ngoại cho hai vợ chồng 700 triệu đồng để xây nhà. So với những người giàu có không thể bằng, dù sao vợ chồng tôi cũng có chút tài sản đất đai đủ phòng thân khi sa cơ lỡ vận.
Nhờ căn nhà ở mặt đường lớn nên cả hai có thể buôn bán qua ngày. Thu nhập từ quầy hàng nhỏ giúp kiếm đủ tiền trang trải cuộc sống. Tuy vậy, con cái ngày càng lớn, chi tiêu nhiều hơn. Ngoài ra, chi phí cuộc sống cũng tăng lên so với trước đây nên tôi cảm thấy túng thiếu.
Nếu ở hoàn cảnh như tôi, chồng có thể kiếm thêm tiền hàng tháng, cuộc sống của cả nhà có lẽ sẽ dư dả hơn. Tuy nhiên, cưới nhau hơn 10 năm, chồng tôi có đến 8 năm thất nghiệp ở nhà.
Tôi có nhà mặt phố, chồng hiền lành nhưng vẫn không hạnh phúc trọn vẹn.
Thời mới cưới, anh có công việc ổn định. Sau đó, chồng tôi nghỉ việc vì xích mích với trưởng phòng. Anh ở nhà một thời gian, nộp hồ sơ khắp nơi. Thế nhưng, chồng tôi chỉ làm mỗi nơi một thời gian rồi chê bai về tiền lương, môi trường, áp lực... nên "nhảy việc" liên tục.
Khi đã ở tuổi gần 40, anh gần như rất khó tìm được một công việc phù hợp với bản thân. Cho nên nhiều năm qua, chồng tôi không đi làm mà chỉ quanh quẩn ở nhà.
Công việc chính của tôi là bán hàng, chồng chỉ phụ giúp vài việc lặt vặt. Nhìn thấy anh không hỗ trợ được về chuyện kinh tế, tôi hơi chán nản. Có nhiều lúc vì áp lực tiền bạc, tôi từng nghĩ đến chuyện ly hôn nhưng không đành.
Một phần tôi nghĩ đến hai đứa con, ngoài ra, chồng không kiếm ra nhiều tiền như người ta nhưng hiền lành, không nhậu nhẹt, bồ bịch... Điểm cộng đó khiến tôi cố gắng tiếp tục cuộc hôn nhân này.
Khi nhìn vào cuộc sống bình yên của chúng tôi, bạn bè đều ao ước. Thế nhưng, ít ai biết những nỗi khổ trong lòng. Giá như chồng tôi tháo vát, chịu khó bươn chải hơn một chút, cuộc sống của cả nhà sẽ đỡ áp lực hơn.
Tôi nhiều lần khuyên anh tìm kiếm việc làm, song chồng đều ậm ừ cho qua chuyện. Dường như anh không còn tha thiết với việc nộp hồ sơ, đi phỏng vấn hay đi làm theo thời gian hành chính.
Nhiều lần, tôi nhờ bố mẹ chồng khuyên bảo nhưng ông bà lắc đầu. Bên nhà nội cho rằng, việc muốn đi làm hay không là lựa chọn cá nhân, không nên ép buộc. Chuyện làm ăn phải do hai vợ chồng tự bàn bạc, khó ai có thể can thiệp. Vì vậy, suốt nhiều năm qua, tôi gần như là lao động chính, bươn chải với quầy hàng nhỏ.
Nhìn người ta có chồng hỗ trợ, kiếm tiền, lăn lộn đưa thu nhập về cho vợ con, tôi không khỏi chạnh lòng. Tôi không hề muốn chồng phải vất vả nhưng việc anh ở nhà cả ngày, hết xem tivi lại đi uống trà đá, tập thể dục thực sự rất khó coi. Trong khi đó, ở tuổi anh, nhiều người vẫn làm việc hăng say.
Tôi tâm sự với bạn bè thân thiết, ai cũng nói nên nghĩ đến điều tốt đẹp ở chồng mà sống vì các con. Dẫu anh không mang tiền bạc về nhưng không báo nợ hàng tỷ đồng, sa vào cờ bạc hay rượu chè.
Trong suy nghĩ của họ, cuộc sống có nhà mặt phố, có quầy hàng thêm thu nhập vậy là đủ. Bạn bè khuyên tôi đừng bon chen làm gì, cuộc sống biết đủ là được. Tôi có nên gây áp lực để chồng kiếm tiền phụ giúp gia đình không?
Nguyễn Phương (Theo dantri.com.vn)