Theo đơn đặt hàng từ Sở KH-CN TPHCM, Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý TPHCM vừa giới thiệu 2 phần mềm do đơn vị này triển khai xây dựng nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động dịch vụ công tại TPHCM, gồm Hệ thống chuyển đổi số phục vụ quản lý điều hành cấp phường, xã và Hệ thống quản lý tập trung các đơn vị kinh tế.
Hệ thống chuyển đổi số phục vụ quản lý điều hành cấp phường, xã được triển khai ứng dụng thử nghiệm tại UBND phường 9, quận 11. Hệ thống cung cấp các công cụ quản lý dữ liệu tập trung, xuyên suốt từ UBND phường tới người dân; lãnh đạo phường có thể nắm được thông tin, dữ liệu trực quan trên địa bàn để phục vụ công tác quản lý, triển khai quy chế, hỗ trợ công tác điều hành đến từng khu phố. Các chức năng chính của hệ thống gồm quản lý dân cư, quản lý cư trú, quản lý dữ liệu nghĩa vụ quân sự, quản lý dữ liệu an sinh xã hội, báo cáo thống kê, sinh vật cảnh…
Ông Phạm Đức Thịnh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (Sở KH-CN TPHCM) cho biết, hệ thống có thể cung cấp cho lãnh đạo phường công cụ để xem thông tin tổng thể, chi tiết liên quan đến việc quản lý điều hành; thông tin được chia sẻ tới các cấp và người dân trên địa bàn phường nhanh chóng, công khai, tăng tính tương tác giữa người dân và chính quyền…
Trong khi đó, phần mềm Hệ thống quản lý tập trung các đơn vị kinh tế ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý tập trung các đơn vị kinh tế, phục vụ công tác quản lý của các phòng, ban trực thuộc UBND quận, huyện. Hệ thống bao gồm 6 nhóm chức năng quản trị dữ liệu, cho phép người quản trị có thể quản lý từng người dùng trong hệ thống, kiểm soát quyền truy cập của mỗi phòng ban, đơn vị. Đồng thời, ứng dụng bản đồ số trên bảng hiển thị (Dashboard) giúp người quản lý có góc nhìn tổng quan về tình hình phân bổ các đơn vị kinh tế theo địa bàn, lĩnh vực, quy mô, số liệu lao động…
Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Nguyễn Việt Dũng cho biết, sở mong muốn đơn vị hoàn thiện các phần mềm thành một hệ thống dùng chung, có sự thống nhất để UBND các quận, huyện, các phường, xã có thể đăng ký sử dụng. Ông Dũng cũng lưu ý các địa phương, muốn đổi mới sáng tạo, ứng dụng chuyển đổi số cần xác định được mong muốn, những khó khăn còn vướng mắc, từ đó chủ động tìm kiếm sự phối hợp, hợp tác ứng dụng khoa học - công nghệ để giải quyết.
“Tấn công” người dùng di động bằng tổng đài ảo
Vấn nạn quấy rối qua điện thoại bằng cuộc gọi rác, tin nhắn rác đã trở thành nỗi ám ảnh của không ít người trong thời gian dài. Sau khi sim rác bị kiểm soát gắt gao, thì nay, cuộc gọi rác, tin nhắn rác từ tổng đài ảo ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) lại nổi lên, dai dẳng “tấn công” người dùng di động.
Nhiều tin nhắn rác, cuộc gọi rác từ tổng đài 024 888 và 024 999 đến khách hàng. Ảnh: Hoàng Hùng
Nhận diện tổng đài ảo AI
Hiện hầu như ai sử dụng thuê bao di động đều thường xuyên nhận được các cuộc gọi quấy rối, tin nhắn rác với nội dung mời chào đầu tư tài chính, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản…, thậm chí là lừa đảo mạo danh cơ quan chức năng. Các cuộc gọi hay tin nhắn rác xuất phát từ tổng đài ảo AI với hàng trăm kiểu hiển thị, khi thì số di động na ná của các nhà mạng tại Việt Nam, khi thì theo đầu số quốc tế và lắm lúc hiển thị tổng đài của các thương hiệu.
Theo các chuyên gia công nghệ, tổng đài ảo AI sử dụng nhiều thủ đoạn mới hơn để tiếp cận người dùng di động, như nhá máy để gọi lại (gọi một hồi chuông ngắn rồi cúp máy, khiến người dùng tò mò và gọi lại); thông báo vi phạm pháp luật (mạo danh cơ quan chức năng thông báo vi phạm luật giao thông, thuế… để lừa đảo); mời tham gia nhóm đầu tư tài chính, chứng khoán quốc tế (hứa hẹn lợi nhuận cao để dụ dỗ người dùng tham gia, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản…).
Theo ông Võ Duy Khánh, Trưởng Phòng An ninh di động, Trung tâm Nghiên cứu mã độc (Tập đoàn Công nghệ BKAV), với việc sử dụng tổng đài ảo AI, các đối tượng thường có 2 cách thức tiếp cận. Đầu tiên là hệ thống thuần AI tự động gọi điện, nói chuyện, chờ đợi và hỗ trợ khách hàng thao tác các phím bấm. Với cơ chế này, các đối tượng hướng tới việc tăng số lượng các cuộc gọi, tiếp cận với nhiều người hơn. Cách thức thứ hai là sử dụng tổng đài ảo AI kết hợp với người thật để thay đổi giọng nói, hình ảnh…
Với cách thức này, các đối tượng sẽ tìm hiểu nạn nhân, thu thập hình ảnh, giọng nói, lên kịch bản tỉ mỉ nhằm đánh mạnh vào tâm lý của nạn nhân để lừa đảo. “Để nhận biết cuộc gọi từ tổng đài AI, người dùng có thể chú ý đến một số dấu hiệu như giọng nói đều đều, không ngắt nghỉ tự nhiên và gần như không có cảm xúc. Đặc biệt, nếu tương tác lại thì tốc độ phản hồi thường chậm và không ăn nhập nội dung trao đổi của người nghe”, ông Võ Duy Khánh chia sẻ.
Ứng xử hợp lý, đúng pháp luật
Các tổng đài AI có khả năng hoạt động 24/7, giải quyết các yêu cầu và thắc mắc một cách nhanh chóng mà không cần sự can thiệp của con người. Điều này giúp giảm chi phí vận hành, tăng chất lượng dịch vụ của đơn vị ứng dụng. Hiện các doanh nghiệp công nghệ thông tin trong nước có rất nhiều dịch vụ cho tổng đài AI. Các cá nhân, đơn vị có nhu cầu đều có thể “may đo” cho riêng mình một tổng đài AI với giá từ chục triệu đồng đến trăm triệu đồng, tùy nhu cầu.
“Tổng đài AI thường bị khai thác bằng các cuộc gọi rác để quảng cáo, lừa đảo người thân (fake voice). Những cuộc gọi này làm người dùng di động khó chịu vì nhận thông tin không có giá trị, bị làm phiền trong làm việc, lúc nghỉ ngơi hoặc lừa đảo…”, ông Hồ Minh Đức, Giám đốc điều hành Startup Vbee, cho biết.
Để hạn chế việc sử dụng tổng đài AI cho các mục đích không mang lại giá trị, ông Hồ Minh Đức cho rằng, cần giám sát các đơn vị cung cấp dịch vụ tổng đài AI; cơ quan chức năng kiểm soát, xử phạt nghiêm khắc đối với các cá nhân, đơn vị dùng tổng đài AI để thực hiện cuộc gọi rác.
Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, để sử dụng tổng đài AI hiệu quả mà không làm phiền người dùng, các doanh nghiệp, tổ chức cần thực hiện nghiêm túc các quy định về hoạt động thực hiện cuộc gọi, tin nhắn trên mạng viễn thông, cụ thể là nghiêm túc tuân thủ Nghị định 91/2020/NĐ-CP về chống tin nhắn rác, thư điện tử rác và cuộc gọi rác. “Người dùng phải được biết các tổng đài AI hiện nay, có quyền lựa chọn từ chối nhận cuộc gọi và thông tin từ các tổng đài này. Việc sử dụng tổng đài AI cần phải có trách nhiệm và tôn trọng quyền lợi của người dùng”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Văn Cường (Theo sggp.org.vn)