Không chỉ chuyển diện tích cấy lúa hiệu quả thấp sang mô hình trồng sen cho thu nhập cao, chị Đặng Thúy Như ở thị trấn Tứ Trưng, huyện Vĩnh Tường còn dày công nghiên cứu, tìm tòi phương thức để ướp trà sen, mang đến một nét đặc trưng riêng với hương vị hài hòa để tạo nên thương hiệu “Trà sen ướp thượng hạng Đầm Rưng”, một thức uống mang đậm hương vị hương sen vùng đất Phủ.

Đầm sen rộng 1 ha của gia đình chị Đặng Thúy Như.
Dẫn chúng tôi đến khu vực đầm sen của gia đình đang đến độ nở rộ, tỏa hương thơm ngát, chị Như cho biết khu vực ruộng lúa của gia đình có tổng diện tích gần 3 ha, từ trước đến nay chỉ chuyên trồng lúa quanh năm, nên hiệu quả kinh tế thấp. Từ năm 2021, chị Như cải tạo lại khu vực ruộng trên diện tích 1 ha để chuyển sang trồng sen.
“Ban đầu tôi dự định chỉ trồng để bán hoa sen và đài sen, nhưng khi thấy bố tôi thường lấy hoa sen về ướp trà, khi uống thấy hương vị rất thơm ngon và độc đáo, nên tôi đã nảy ra ý tưởng tìm tòi thử nghiệm ướp trà sen để dùng và đem tặng người thân, bạn bè. Nhưng dần dần có nhiều người uống, yêu thích và đánh giá khá tốt về chất lượng trà nên tôi đã quyết định đầu tư để sản xuất nhân rộng và đưa ra thị trường” - chị Như chia sẻ.

Nguyên liệu để làm nên trà sen được chị Như tuyển chọn kỹ lưỡng, là loại trà nõn tôm Tân Cương, Thái Nguyên, hoa sen được chọn từ những bông vừa mới chớm nở.
Chị Như đã cất công lên tận Thái Nguyên để tìm mua loại trà khô ngon nhất và bỏ công nghiên cứu, tìm ra phương thức ướp trà sen mang đặc trưng riêng. Theo chị Như, sen là loại cây tương đối dễ trồng và phù hợp với vùng đất ruộng trũng, tốn ít công chăm sóc, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật cao và ít sâu bệnh. Sau 4 - 5 tháng trồng, chăm sóc là sen có thể thu hoạch, thời gian thu hoạch kéo dài từ 3 - 3,5 tháng. Tuy nhiên, thời điểm thu hoạch rộ nhất sẽ là từ đầu tháng 5 đến tháng 7.
Chị Như chia sẻ thêm: “Để có sen ướp trà tốt nhất, tôi thường ra tận đầm hái sen hoặc cho trà vào bông sen từ lúc 5-6h hoặc vào lúc chiều muộn. Trà để ướp hương sen tươi phải là loại trà mộc Tân Cương được lựa chọn kỹ lưỡng để đảm bảo đượm vị, đậm hậu. Sen thì chọn những bông vừa mới chớm nở để đảm bảo giữ được trọn vẹn hương sen và để trà được “ngậm” đủ hương sen.


Công đoạn "vào trà" đòi hỏi người thực hiện cần tỉ mỉ, sau đó bông sen sẽ được bọc trong lá sen và ủ trong vòng 24h.
Khi “vào trà” không quá khó nhưng đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ. Phải nhẹ nhàng tách từng cánh sen, khéo léo tạo độ rộng đến khi nhìn thấy đài và nhụy hoa thì bắt đầu cho trà vào sen. Sau đó bọc bông sen lại vào lá sen, buộc bằng sợi rơm hoặc lạt tre ủ để qua đêm, sau 24 giờ để vị trà và hương sen quyện vào nhau. Sau đó, tôi mang ra hút chân không và cho vào ngăn đá để bảo quản.
Thời gian bảo quản có thể lên đến 1 năm và lưu ý không nên để lẫn trà sen với các thứ khác vì sẽ rất dễ bị ám mùi, mất đi hương vị độc đáo. Tôi cũng đang nghiên cứu để làm thêm loại trà ướp gạo sen nhằm tăng thêm độ phong phú cho các sản phẩm của mình.
Hiện nay, trung bình một ngày, tôi thường làm từ 100-200 bông trà sen phục vụ khách hàng, chủ yếu là khách hàng quen và đặt hàng theo yêu cầu. Ngày cao điểm có những đơn hàng lên đến vài trăm bông trà sen nên tôi cũng phải nhờ đến người thân phụ giúp. Mỗi thành phẩm được bán với giá bán lẻ là 35.000 đồng/bông và 25.000/bông khi khách hàng mua từ 20 bông trở lên".

Thành phẩm sau khi được đóng gói và hút chân không.
Vừa trò chuyện, chị Như vừa pha và hướng dẫn chúng tôi cách thưởng thức trà sen, cách pha cũng khá tỉ mỉ, sau khi bóc lớp lá sen bọc bên ngoài và cánh sen ra, cho trà vào một ấm đã được tráng sạch bằng nước đun sôi, rót nước sôi khoảng 90 độ vào ấm và để khoảng 1 - 2 phút cho trà ngấm đều. Đặc biệt không nên tráng trà và ngâm trà vì rất dễ bị mất hương vị và bị nồng. Trà sen xổi khi thưởng thức từ từ sẽ có vị thơm nồng, vị hơi chát thanh dịu của trà, thoảng hương sen thơm ngát lan tỏa, hậu ngọt tinh tế. Trà sen khi ướp chuẩn sẽ rất “dai nước”, đạt cả sắc, hương và vị.

Trà và sen quyện vào nhau tạo nên hương vị đậm đà, độc đáo.
“Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục lan tỏa các sản phẩm của mình đến thị trường qua các trang mạng xã hội, hướng tới bán hàng trên các sàn thương mại điện tử và sẽ sản xuất hàng loạt để đảm bảo đủ lượng hàng phân phối cho khách hàng. Để nâng cao hình thức sản phẩm, tôi sẽ nghiên cứu, thiết kế ra một số mẫu mã, bao bì phục vụ khách hàng có thể mang đi làm quà biếu, quà tặng nhằm phát triển thương hiệu cho trà sen vùng đất Phủ...” - chị Như cho biết thêm.
Bài, ảnh: Huyền Linh