Gia đình không chỉ là tổ ấm yêu thương, cái nôi che chở, nuôi dưỡng mỗi người, mà còn là nền tảng tinh thần vững chắc, trường học đầu đời cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Để xây dựng con người Vĩnh Phúc, nhất là thế hệ trẻ phát triển toàn diện với những phẩm chất tốt đẹp, đáp ứng yêu cầu của thời đại, tỉnh xác định công tác xây dựng gia đình, giữ gìn, phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Anh Trần Văn Thọ ở xã Quang Yên, huyện Sông Lô luôn chia sẻ công việc nhà với vợ và chăm sóc, dạy bảo các con. Ảnh: Trà Hương
Gia đình no ấm, bố mẹ thuận hòa, hạnh phúc là điều kiện, môi trường quan trọng, trực tiếp tạo nên các thế hệ sau có chất lượng cả về thể chất và tinh thần, góp phần đắc lực vào chiến lược phát triển nguồn lực con người chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hiện nay.
Xác định được điều đó, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao và ban hành nhiều nghị quyết, chương trình, kế hoạch để thực hiện tốt công tác gia đình. Các chỉ tiêu cơ bản về công tác gia đình được đưa vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các địa phương.
Công tác gia đình trên địa bàn tỉnh những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Vĩnh Phúc.
Nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân về vị trí, vai trò của công tác gia đình ngày càng được nâng lên. Đặc biệt, công tác xây dựng gia đình văn hóa đã được triển khai sâu rộng, hiệu quả, trở thành nền nếp và mục tiêu phấn đấu của mọi gia đình.
Gia đình thuận hòa, hạnh phúc là nền tảng cho sự hình thành và phát triển những phẩm chất tốt đẹp của trẻ. Ảnh: Trà Hương
Năm 2023, tỷ lệ gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh đạt 93,9%, tăng 1% so với năm 2022. Các gia đình văn hóa không chỉ là những điển hình tiêu biểu trong xây dựng gia đình hạnh phúc, hòa thuận, tiến bộ mà còn nêu gương sáng trong thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất; tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương…
Ba thế hệ cùng chung sống dưới một nếp nhà, dù có những khác biệt về quan điểm, suy nghĩ, nhưng với tình yêu thương, sự chia sẻ, thấu hiểu, gia đình ông Nguyễn Ngọc Lương, phường Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên luôn rộn rã tiếng cười, là tấm gương sáng trong xây dựng gia đình văn hóa tại địa phương.
Ông Lương cho biết: “Trong gia đình có nhiều thế hệ cùng chung sống sẽ không tránh khỏi có những lúc mâu thuẫn. Để gia đình luôn hòa thuận, vui vẻ, tôi thường nhắc nhở con cháu phải biết chia sẻ, thấu hiểu, đặt bản thân mình vào vị trí của người khác để có những ứng xử phù hợp. Đặc biệt, những người lớn trong gia đình phải luôn là tấm gương để con, cháu học tập, noi theo…”.
Công việc bận rộn, nhưng các thành viên trong gia đình chị Bùi Thị Hường ở xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường luôn dành cho nhau sự quan tâm, cùng vun đắp, gìn giữ hạnh phúc gia đình, cùng nhau chăm sóc, dạy dỗ con cái, chia sẻ công việc nhà.
Chị Hường chia sẻ: "Giáo dục trong gia đình là then chốt trong việc hình thành nhân cách của trẻ, hành vi và thái độ ứng xử của cha mẹ có ảnh hưởng lớn đến con cái,vì vậy, vợ chồng tôi luôn làm gương cho con, từ lời ăn tiếng nói sao cho đúng mực, đến cách cư xử tôn trọng, chia sẻ, thấu hiểu, hỗ trợ nhau trong mọi công việc”.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng, công tác giáo dục ngay tạigia đình càng khẳng định vị trí, vai trò quan trọng đối với sự hình thành nhân cách mỗi con người, là nền tảng để xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, động lực cho sự phát triển bền vững của quốc gia, dân tộc.
Phát huy những kết quả đạt được, Vĩnh Phúc tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác gia đình; triển khai sâu rộng phong trào xây dựng gia đình văn hóa; nâng cao năng lực quản lý nhà nước về công tác gia đình.
Đồng thời chú trọng thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của mỗi người đối với việc xây dựng gia đình văn hóa, no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; nhân rộng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các mô hình xây dựng gia đình hạnh phúc.
Đổi mới công tác phổ biến, tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, các chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình, kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc…
Lê Mơ