Xác định chương trình giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng trong thực hiện an sinh xã hội, huyện Yên Lạc đã đề ra các giải pháp tích cực, đồng bộ như giải quyết việc làm, cho vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân... Nhờ đó, công tác giảm nghèo được triển khai hiệu quả, góp phần hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Yên Lạc rà soát hộ nghèo để có kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo hiệu quả.
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, huyện Yên Lạc luôn coi trọng công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động - coi đây là mấu chốt của công tác giảm nghèo bền vững.
Hằng năm, UBND huyện chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên huyện phối hợp với các trường dạy nghề trong tỉnh và của trung ương đóng trên địa bàn như Trường cao đẳng Nghề Vĩnh Phúc, Trường cao đẳng Công nghiệp và Thương mại Phúc Yên... tổ chức các lớp dạy nghề cho thanh niên bước vào độ tuổi lao động với các nghề như may mặc, xây dựng, điện kỹ thuật, trồng nấm, trồng hoa, cây cảnh, nuôi trồng thủy sản, thủ công mĩ nghệ, đan lát...
Xác định việc hỗ trợ tín dụng cho người nghèo phát triển sản xuất nông nghiệp là chìa khóa để mở cánh cửa thoát nghèo, huyện Yên Lạc chỉ đạo Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... đẩy mạnh cho vay tín dụng chính sách, giúp người dân, đoàn viên, hội viên được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và được hỗ trợ con giống, cây trồng, vật tư nông nghiệp, tham gia tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi... phát triển những mô hình kinh tế cho thu nhập cao, giá trị bền vững.
Giai đoạn 2020 - 2023, toàn huyện đã cho vay vốn ưu đãi 4.673 lượt hộ nghèo và cận nghèo với số tiền hơn 214,5 tỷ đồng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, hỗ trợ 397 học sinh là con hộ nghèo, cận nghèo các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở tiền ăn trưa với tổng kinh phí 498,5 triệu đồng; hỗ trợ chi phí học tập cho 1.275 học sinh với số tiền hơn 1,41 tỷ đồng; miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định số 81 của Chính phủ cho 327 lượt học sinh với số tiền hơn 2,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, cho vay tín dụng học sinh - sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo hơn 5.000 trường hợp; cho vay xuất khẩu lao động 212 trường hợp. Hỗ trợ đột xuất 1.392 hộ, trị giá 1,21 tỷ đồng. Hỗ trợ 885,7 triệu đồng tiền điện cho 12.893 lượt hộ nghèo. Hỗ trợ hơn 2.900 lượt hộ chính sách xã hội với số tiền 160 triệu đồng.
Từ năm 2021 đến nay, đã mua và cấp 11.617 thẻ BHYT với tổng số tiền hỗ trợ 9,12 tỷ đồng, trong đó có 3.968 thẻ BHYT cho người nghèo, 7.631 thẻ BHYT cho người cận nghèo.
Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQ các cấp vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ phong trào thi đua “Yên Lạc chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau” với tổng kinh phí huy động được gần 3,5 tỷ đồng. Hỗ trợ xây mới 14 ngôi nhà với gần 1,5 tỷ đồng; hỗ trợ sửa chữa 2 nhà với trị giá 40 triệu đồng/nhà; tặng 3.093 suất quà nhân dịp Tết Nguyên đán có giá trị hơn 1,67 tỷ đồng…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, nhiều hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng các chính sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, cộng đồng, xã hội đã vươn lên thoát nghèo. Năm 2021, số hộ nghèo trên địa bàn huyện là 720 hộ, chiếm 1,6%; đến cuối năm 2023 còn 258 hộ, chiếm 0,56%. Hộ cận nghèo là 1.196 hộ, chiếm 2,66%; đến cuối năm 2023 còn 650 hộ, chiếm 1,44%.
Về tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trong xây dựng NTM nâng cao và đô thị văn minh, 15/15 xã có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0,65%, đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao; 2/2 thị trấn có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 0,49%, đạt tiêu chí đô thị văn minh.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Lạc Nguyễn Lê Huy, để thực hiện tốt hơn nữa chương trình giảm nghèo bền vững, UBND huyện tiếp tục rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn, Phòng LĐ-TB&XH huyện, Ban đại diện HĐQT - Ngân hàng CSXH huyện điều tra, rà soát, phân loại hộ nghèo; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về chính sách, mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm.
Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo; gắn trách nhiệm của địa phương trong quản lý, sử dụng, lồng ghép các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững gắn với thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở.
Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động tiếp cận vốn vay phát triển kinh tế gia đình; nhân rộng các mô hình kinh tế hiệu quả nhằm giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.
Huyện cũng chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, địa phương tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ giải quyết việc làm qua kênh xuất khẩu lao động. Phấn đấu đến năm 2025, 97% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên; mỗi năm có từ 2.500-3000 lao động có việc làm mới; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80%. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện giảm còn dưới 0,5%, hộ cận nghèo còn 1,2% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2020-2025).
Bài, ảnh: Xuân Nguyễn