Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng phương thức huy động lãi suất cao là một trong những chiêu trò, thủ đoạn được cơ quan công an cảnh báo nhiều lần. Tuy nhiên, vì nhẹ dạ cả tin, vì ham lợi nên nhiều người vẫn bị sập bẫy, mất trắng số tiền lớn, nhiều trường hợp bị chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Công an xã Quang Yên (Sông Lô) tuyên truyền tới đồng bào dân tộc thiểu số phòng tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng phương thức huy động lãi suất cao. Ảnh: Dương Hà
Hiện nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Công an tỉnh đang tiếp nhận tin báo của người dân liên quan đến đối tượng Nguyễn Thị Lan Anh, sinh năm 1990, trú tại phường Hội Hợp, thành phố Vĩnh Yên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Đối tượng Lan Anh làm nghề lao động tự do nhưng tự giới thiệu với người thân, bạn bè là đang liên kết làm bên bộ phận đáo hạn ngân hàng của các Ngân hàng HDBank, SHB, Agribank… do đó, thường xuyên làm hồ sơ vay lại tiền (đáo hạn ngân hàng) cho khách.
Đối tượng khẳng định, nếu ai có tiền cho vay để làm đáo hạn ngân hàng cho khách thì sau mỗi lần làm hồ sơ xong sẽ trả cả gốc và lãi của khoản vay với lãi suất từ 3.000 - 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày. Do tin tưởng và có mối quan hệ thân quen, nhiều người đã cho đối tượng Lan Anh vay tiền để lấy lãi.
Cán bộ, nhân viên VietinBank Bình Xuyên tư vấn khách hàng các gói gửi tiết kiệm phù hợp. Ảnh: Dương Hà
Tuy nhiên, từ tháng 5/2022, do ngân hàng chưa kịp giải ngân cho một số khách hàng làm đáo hạn nên đối tượng phải đi vay lãi ngoài với lãi suất 7.000 - 10.000 đồng/1 triệu/ngày. Lãi mẹ đẻ lãi con, lãi suất lần sau cao hơn lần trước nên Lan Anh đã mất khả năng trả nợ.
Cùng với vụ án của Nguyễn Thị Lan Anh, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh cũng đang tiếp tục điều tra vụ án hình sự Giang Thị Hưng, sinh năm 1974, trú tại xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường. Gia đình Hưng có mở một xưởng sản xuất, gia công chân giá đỡ điều hòa.
Từ năm 2016 - 2021, lợi dụng việc người dân trên địa bàn xã Đại Đồng và các xã lân cận tin tưởng là công ty của gia đình Hưng làm ăn kinh doanh lớn, hiệu quả cao nên Hưng đã huy động vay tiền của rất nhiều người thân quen.
Khi vay tiền, đối tượng Hưng đều hứa hẹn trả lãi cao và ban đầu trả rất đúng hẹn. Tuy nhiên, khi đã cầm trong tay một số tiền lớn của nhiều người, Hưng không trả lãi nữa. Đến cuối tháng 3/2021, Hưng tuyên bố vỡ nợ nhằm chiếm đoạt số tiền của những người đã vay. Trong đó, có 18 người đã làm đơn tố giác Hưng chiếm đoạt số tiền hơn 11 tỷ đồng và 9,4 cây vàng.
Để phục vụ công tác điều tra các vụ án lừa đảo trên, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đề nghị cá nhân, tổ chức nào cho các đối tượng Nguyễn Thị Lan Anh và Giang Thị Hưng vay tiền, tài sản hoặc giấy tờ có giá trị thì chủ động liên hệ trực tiếp với cơ quan CSĐT Công an tỉnh hoặc thông qua số điện thoại 0982.557.685 để cung cấp thông tin, phối hợp điều tra, làm rõ vụ án.
Có thể thấy, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản cho đến nay đều không có gì mới. Bọn chúng đều tạo ra cho mình một vỏ bọc hoàn hảo, là người giàu có, mối quan hệ xã hội rộng.
Khi vay tiền đều đưa ra các lý do như cần tiền đáo hạn ngân hàng, làm ăn lớn, vay trong thời gian ngắn với lãi suất cao gấp nhiều lần ngân hàng để đánh vào lòng tham của mọi người. Trong thời gian đầu, các đối tượng thường thanh toán gốc và lãi đầy đủ, đúng hẹn nhưng khi cầm trong tay số tiền lớn sẽ tìm cách chiếm đoạt.
Khó khăn lớn nhất trong những vụ án này đó là việc cho vay tiền giữa các bên chủ yếu thỏa thuận bằng miệng dựa trên niềm tin, uy tín với nhau. Một số ít trường hợp cẩn thận có viết giấy thỏa thuận cho vay nhưng lại không có công chứng, không có tài sản thế chấp.
Như vậy, việc vay nợ hoàn toàn không được xác lập trên cơ sở pháp lý nào. Khi đối tượng lộ rõ bản chất lừa đảo, cao chạy xa bay hay tuyên bố vỡ nợ, rất nhiều người phải đứng trước nguy cơ mất toàn bộ số tiền đã cho vay.
Theo khuyến cáo của cơ quan công an, để không bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo, lâm vào cảnh tiền mất tật mang, người dân không nên tin tưởng vào những lời hứa hẹn vay tiền trả lãi suất cao. Trên thực tế, khó để có hình thức kinh doanh nào có thể đem lại lãi suất “khủng”, lên tới vài chục, vài trăm phần trăm một năm.
Nếu có tiền nhàn rỗi hãy đầu tư vào kênh an toàn, tổ chức tín dụng hợp pháp. Khi có tiền cho vay, nhất định phải ký kết bằng văn bản có công chứng và có tài sản bảo đảm. Quan trọng nhất, người dân cần phải cảnh giác trước mọi chiêu thức của đối tượng được cơ quan chức năng cảnh báo để nâng cao tinh thần cảnh giác, trở thành một nhà đầu tư thông thái.
Lê Minh