Trong bức thư gửi cán bộ y tế ngày 27/2/1955, Bác Hồ đã căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô, các chú; Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe của đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, người thầy thuốc phải thương yêu, phải săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn, lương y phải như từ mẫu”. Khắc ghi lời dạy của Người, đội ngũ thầy thuốc trong tỉnh đã không quản ngại khó khăn, không ngừng đổi mới và sáng tạo, nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức để hoàn thành trọng trách cao cả - chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tiến sĩ Lê Hồng Trung, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế.
Song hành với sự phát triển của tỉnh, những năm gần đây, hệ thống y tế trong toàn tỉnh không ngừng được đầu tư hiện đại, hoàn chỉnh và đồng bộ. Với sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư toàn diện của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành đã tranh thủ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, đẩy mạnh xã hội hóa y tế… để đầu tư xây mới, nâng cấp cơ sở vật chất cho các đơn vị y tế theo hướng mở, hiện đại. Tính đến năm 2023, nhiều cơ sở y tế đã và đang được đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp các khu chuyên môn, đáp ứng kịp thời nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận. Một số công trình tiêu biểu như: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo giai đoạn 3, Trung tâm Y tế thành phố Phúc Yên giai đoạn 2, Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch giai đoạn 1…
Hiện nay, toàn ngành có 13 bệnh viện (7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh trực thuộc Sở Y tế; 2 bệnh viện chuyên khoa thuộc các bộ/ngành; 4 bệnh viện ngoài công lập); 1 Chi cục Dân số - KHHGĐ; 4 đơn vị dự phòng và chuyên ngành; 9 Trung tâm y tế tuyến huyện, thành phố; 8 Phòng khám đa khoa khu vực; 136 trạm y tế xã, phường, thị trấn trực thuộc quản lý của Trung tâm y tế tuyến huyện và 361 phòng khám chuyên khoa, đa khoa, cơ sở dịch vụ y tế ngoài công lập. Với mạng lưới y tế được phân bổ rộng khắp đến 100% các xã, phường, thị trấn giúp việc tiếp cận các dịch vụ y tế của người dân trở nên thuận lợi, tạo điều kiện cho người dân được chăm sóc sức khỏe cơ bản và chuyên sâu.
Năm 2023, ngành Y tế tỉnh đã đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực chuyên môn và khẳng định là một trụ cột tăng trưởng của tỉnh. Toàn ngành đã thực hiện khám, chữa bệnh cho gần 2 triệu lượt người; điều trị nội trú cho gần 250.000 lượt bệnh nhân. Trong năm 2023, đã triển khai 992 kỹ thuật mới, trong đó có 891 kỹ thuật lâm sàng và 104 kỹ thuật cận lâm sàng. Đơn vị thực hiện nhiều kỹ thuật mới nhất tại tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và tại tuyến huyện là Trung tâm Y tế huyện Lập Thạch. Kết quả thực hiện tỷ lệ danh mục kỹ thuật tại tuyến tỉnh trung bình đạt 72,5% (tăng 1,5% so với năm 2022); tuyến huyện trung bình đạt 42,2% tại tuyến (tăng 2,7% so với năm 2022). Nhiều kỹ thuật mới hiện đại được thực hiện tại tỉnh như: Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), phẫu thuật mở nắp sọ sinh thiết tổn thương nội sọ, phẫu thuật dị dạng động - tĩnh mạch não, phẫu thuật vi phẫu mạch máu thần kinh, phẫu thuật bơm xi-măng cột sống, phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống, phẫu thuật thay khớp háng - khớp gối nhân tạo, phẫu thuật nối chi thể đứt rời hoàn toàn… giúp người dân được thụ hưởng dịch vụ kỹ thuật cao ngay tại tuyến tỉnh mà không cần chuyển đi tuyến Trung ương.
Cũng trong năm 2023, ngành Y tế đã hoàn thành 3/3 nhiệm vụ trọng tâm Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao, gồm hoàn thiện Đề án phát triển Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng kế hoạch cải tạo, nâng cấp, xây mới trạm y tế xã, phường, thị trấn; triển khai bệnh án điện tử tại 3 bệnh viện tuyến tỉnh (Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên). Đồng thời, hoàn thành và hoàn thành vượt mức một số chỉ tiêu cơ bản được giao đến năm 2025 tại Nghị quyết số 11 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVII về “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe nhân dân và phát triển sự nghiệp Y tế tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2035”; hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 30 của HĐND tỉnh với nhiều kết quả nổi bật; 16 chỉ tiêu được giao theo chương trình công tác của UBND tỉnh năm 2023 cũng cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Cụ thể: Tỷ lệ bác sĩ/vạn dân của tỉnh đạt 16,9 bác sĩ/vạn dân; tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân đạt 40,7 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 95,03% dân số; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc… đạt tỷ lệ cao hơn so với bình quân chung của cả nước và vùng đồng bằng sông Hồng.
Đi đôi với sự phát triển của mạng lưới điều trị, ngành Y tế tỉnh cũng luôn quan tâm đầu tư phát triển hệ thống y tế dự phòng từ tuyến xã đến tuyến tỉnh nhằm thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên và đột xuất trong lĩnh vực y tế dự phòng. Năm 2023, ngành Y tế đã kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác; không để xâm nhập dịch bệnh ngoại lai; kịp thời khống chế và kiểm soát hiệu quả các dịch bệnh lưu hành thường xuyên như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi… Đặc biệt, theo đánh giá của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Vĩnh Phúc là địa phương đạt kết quả tốt trong công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ em và phụ nữ mang thai, góp phần phục hồi và phát triển KT-XH của tỉnh.
Nhằm giúp người dân tiếp cận với những dịch vụ y tế chất lượng, ngành Y tế tỉnh còn tích cực thực hiện chuyển đổi số, triển khai thực hiện bệnh án điện tử tại 3 cơ sở y tế tuyến tỉnh theo đúng quy định của Bộ Y tế, Sở Y tế và các quy định khác của pháp luật; tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt tại các cơ sở y tế; đẩy mạnh khám, chữa bệnh bằng căn cước công dân có tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, sử dụng ứng dụng VssID thay cho bảo hiểm y tế giấy; triển khai hệ thống khám, chữa bệnh từ xa Vtelehealth; đặt lịch khám online, giảm bớt áp lực phải xếp hàng chờ khám... Qua đó, góp phần nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ, đa dạng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe để làm hài lòng người dân.
Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, năm 2024, ngành Y tế tập trung các giải pháp tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Đối với 13 nhiệm vụ trọng tâm được UBND tỉnh giao, ngành đã cụ thể hóa thành 39 nội dung, chương trình công tác. Ngay từ đầu năm, Ban Giám đốc Sở Y tế và các phòng chuyên môn trực thuộc, các đơn vị y tế trong tỉnh đã ký cam kết thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm. Đồng thời, ngành tập trung các giải pháp phát triển hệ thống y tế đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân; nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật. Củng cố và mở rộng quy mô, phát triển các trung tâm chuyên khoa thuộc các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh hiện có; nâng cấp các trung tâm y tế tuyến huyện, các bệnh viện đa khoa khu vực. Nghiên cứu đầu tư xây dựng bệnh viện chuyên khoa, trung tâm khám, chữa bệnh chất lượng cao, trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ gen, tế bào gốc và mô phôi. Đầu tư xây dựng hệ thống y tế dự phòng và kiểm soát bệnh tật đồng bộ, đủ năng lực dự báo, kiểm soát dịch bệnh. Kiện toàn hệ thống kiểm nghiệm, giám định y khoa, giám định pháp y và pháp y tâm thần theo quy định của Bộ Y tế. Khuyến khích đầu tư phát triển chế biến, trồng nguyên dược liệu, tạo thành chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và các cơ sở y tế. Qua đó, thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 25 ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới; Quyết định số 158 ngày 6/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Vĩnh Phúc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiến sĩ Lê Hồng Trung
Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế