Hiện nay, cùng với việc thực hiện tốt hoạt động giáo dục, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã đưa các trò chơi dân gian vào nhà trường để tạo cho học sinh những trải nghiệm vừa học, vừa chơi một cách an toàn, lành mạnh, góp phần xây dựng trường học thân thiện và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.
Học sinh Trường tiểu học Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc thi nhảy bao bố. Ảnh: Dương Chung
Khi tiếng trống giờ ra chơi vang lên, học sinh các khối lớp của Trường tiểu học Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc ùa ra sân trường, rủ nhau chơi các trò chơi theo từng nhóm. Nhóm thì chơi nhảy dây, đá cầu, rồng rắn lên mây, bịt mắt bắt dê, mèo bắt chuột, nhóm lại rủ nhau chơi trốn tìm…. Tiếng nói, tiếng cười rộn rã khắp nơi, gương mặt các học sinh đều toát lên sự vui tươi, phấn khởi.
Được biết, việc đưa các trò chơi dân gian vào trường học đã được Trường tiểu học Phạm Công Bình triển khai từ nhiều năm nay, dưới hình thức hoạt động phong trào; bắt đầu từ năm 2022, hoạt động này đã chính thức được đưa vào kế hoạch bài bản ngay đầu năm học. Trong quá trình đưa trò chơi dân gian vào trường học, đội ngũ giáo viên đã xây dựng kế hoạch, lựa chọn trò chơi phù hợp, đánh giá tác dụng giáo dục của các trò chơi đối với sự phát triển của trẻ.
Thầy giáo Nguyễn Văn Đô, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học Phạm Công Bình cho biết: "Đưa trò chơi dân gian vào trường học là một trong những hoạt động rất hữu ích. Tùy từng hình thức, quy mô trò chơi mà tổ chức vào các thời điểm khác nhau. Ví dụ như trò chơi trồng nụ trồng hoa, nhảy dây, bịt mắt bắt dê… được các em chơi hằng ngày vào các giờ ra chơi; kéo co, bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố…. được tổ chức vào các dịp lễ, Tết, sinh hoạt ngoại khóa.
Tham gia các trò chơi, học sinh được rèn luyện thể chất, khéo léo, nhanh nhẹn, hoạt bát hơn; đồng thời tạo sự hòa đồng, đoàn kết giữa các em. Những phút vui chơi thoải mái cũng giúp trẻ thêm hào hứng với học tập, sống thân thiện, hồn nhiên. Vui chơi lành mạnh còn tạo ra nhiều đức tính tốt đẹp, hạn chế tật xấu, giúp các em rèn luyện thể chất, tâm hồn theo chiều hướng tích cực".
Em Nguyễn Khánh Vy, lớp 5A5 Trường tiểu học Phạm Công Bình cho biết: "Em thấy rất vui vì có phút giây thư giãn cùng bạn sau giờ học căng thẳng, mệt mỏi. Những trò chơi này giúp em rèn luyện thể chất và gắn kết với bạn trong lớp".
Học sinh Trường tiểu học Phạm Công Bình, huyện Yên Lạc chơi trồng nụ trồng hoa vào giờ ra chơi. Ảnh: Dương Chung
Hướng tới mục tiêu “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, ngay từ đầu năm học, Trường THCS Yên Dương, huyện Tam Đảo đã đưa việc tổ chức các trò chơi dân gian vào kế hoạch thực hiện thường xuyên trong năm. Các trò chơi được tổ chức vào giờ Giáo dục thể chất, giờ chào cờ, tiết sinh hoạt lớp, hoạt động tập thể, hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, vào các ngày lễ, ngày kỷ niệm lớn, nhà trường đều tổ chức trò chơi dân gian, có đánh giá, xếp loại thành tích và trao thưởng.
Cô giáo Tạ Thị Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Dương cho biết: “Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ như hiện nay, học sinh dễ bị lôi cuốn vào trò chơi điện tử, trong đó có nhiều trò bạo lực gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần. Việc đưa trò chơi dân gian vào trường học đồng thời tích hợp với hoạt động giáo dục thể chất sẽ giúp học sinh hào hứng hơn với môn học; các em được chơi, khám phá, có điều kiện tìm hiểu thêm về văn hóa dân gian. Qua đó, khơi dậy trong học sinh tình yêu quê hương cũng như có thêm những ký ức đẹp về tuổi thơ.
Việc tổ chức trò chơi gần như không tốn kinh phí, khá dễ dàng và nguyên vật liệu cũng dễ tìm. Trò chơi không chỉ tăng cường tinh thần đoàn kết trong tập thể, góp phần xây dựng phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”, mà còn góp phần duy trì, bảo tồn văn hóa dân tộc”.
Tháng 10/2022, được sự đồng ý của UBND tỉnh, Sở GDĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục trong toàn tỉnh đưa trò chơi dân gian vào hoạt động ngoại khóa ngoài giờ lên lớp, hoạt động trong các ngày lễ, kỷ niệm, rất đầy đủ từ tên trò chơi, cách chơi, luật chơi, gợi ý trò chơi ở mỗi cấp học.
Ban đầu, ngành Giáo dục tỉnh sưu tầm được 56 trò chơi dân gian, tuy nhiên, qua rà soát nhiều trò chơi đã có trong chương trình giáo dục. Vì vậy, ngành đã lựa chọn 23 trò chơi phù hợp, mang tính sáng tạo cao và giúp tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh.
Đến nay, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh đã tích cực sưu tầm, đưa trò chơi dân gian vào kế hoạch hoạt động ngoại khóa; tăng cường lồng ghép tổ chức các trò chơi dân gian vào các tiết sinh hoạt… Điều này được các em học sinh vô cùng thích thú đón nhận, phụ huynh cũng đồng tình hưởng ứng.
Việc duy trì, phổ biến và nhân rộng các trò chơi dân gian trong nhà trường đã mang lại hiệu ứng tích cực. Các hoạt động không chỉ tạo ra sân chơi lành mạnh, thực hiện hiệu quả phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực mà còn góp phần nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ, giúp các em trau dồi thêm hiểu biết về bản sắc văn hóa của dân tộc, đáp ứng tốt hơn các yêu cầu đổi mới giáo dục toàn diện hiện nay.
Bích Huệ