Hút thuốc lá thụ động có thể gây nên nhiều bệnh nguy hiểm, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, ung thư phổi, nhiễm khuẩn đường hô hấp... Những người hít phải khói thuốc lá cũng có nguy cơ mắc các bệnh giống như người hút thuốc.
Nhiều người vẫn vô tư hút thuốc lá nơi công cộng. Ảnh: Dương Chung
Vào các buổi chiều, dạo quanh một số địa điểm công cộng như công viên, vườn hoa hay tại các quán trà đá vỉa hè... dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nhóm thanh niên tụ tập hút thuốc lá. Họ thản nhiên hút thuốc và nhả khói ra môi trường xung quanh. Đáng buồn hơn, khi được nhắc nhở, nhiều người còn tỏ thái độ khó chịu, thậm chí cố tình nhả ra làn khói thuốc để thách thức.
Mặc dù đã có những quy định cụ thể về việc cấm hút thuốc lá ở nơi công cộng, song, một số người vẫn quan niệm rằng, hút thuốc lá là sở thích, tự do cá nhân, người xung quanh không có quyền can thiệp.
Nhưng thực tế, khói thuốc lá ảnh hưởng nghiêm trọng đến những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ có thai. Trong một gia đình, nếu người chồng hút thuốc lá, thì gần như vợ, con họ phải sống chung với khói thuốc. Một số người có ý thức thì chủ động hút thuốc lá bên ngoài nhà, nhưng thực tế ít nhiều vẫn mang theo khói thuốc vào trong nhà và vô tình khiến người thân của họ hít phải.
Chị N.P.N ở phường Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Chồng tôi thường xuyên hút thuốc lá, nhất là những hôm làm việc buổi đêm, căng thẳng thì mức độ hút thuốc sẽ tăng gấp 5 - 6 lần thời gian khác trong ngày. Bản thân chồng tôi thường xuyên bị khó thở và hen suyễn, nhưng anh cũng không bỏ được thuốc lá. Đáng ngại hơn, chúng tôi có 3 con nhỏ, các cháu thường xuyên mắc bệnh về đường hô hấp, viêm mũi, viểm phôi. Tôi nhắc nhở chồng thì cũng chỉ được 2 - 3 ngày là đâu lại vào đó”.
Chị N.N.L ở phường Tích Sơn, thành phố Vĩnh Yên cũng chia sẻ: “Thời gian trước, tôi thường xuyên đau đầu, mất ngủ và có tình trạng khó thở. Sau khi đi khám tổng quát, bác sĩ chẩn đoán tôi bị rối loạn tiền đình và phổi tổn thương nhẹ. Trong gia đình, chồng tôi và bố chồng thường xuyên hút thuốc lá nên các thành viên cũng không thể tránh khỏi việc hít phải khói thuốc lá thụ động".
Theo bác sĩ Đào Trường Nam, Phó trưởng Khoa phụ trách Khoa Phòng chống bệnh không lây nhiễm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh: “Hút thuốc lá thụ động nguy hiểm hơn so với hút thuốc lá chủ động. Người hút thuốc lá trực tiếp tiếp nhận khói thuốc qua đầu lọc của điếu thuốc, còn người hút thuốc lá thụ động thì không. Khói thuốc lá gây hại với tất cả mọi người, nhất là trẻ em, phụ nữ có thai và người cao tuổi.
Hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) lên 10 - 43%. Những người chưa từng hút thuốc tiếp xúc với khói thuốc thụ động có nguy cơ gia tăng các triệu chứng đường hô hấp như ho, khó thở, thở khò khè... đó là những triệu chứng đầu tiên của bệnh COPD.
Để ngăn những căn bệnh do khói thuốc lá thụ động, những người hút thuốc lá chủ động nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt, nếu chưa thực hiện được ngay thì phải có ý thức hút thuốc ngoài không gian sống của gia đình, ngoài những địa điểm công cộng đã được quy định cấm hút thuốc lá”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, toàn cầu có hơn 8 triệu trường hợp tử vong vì thuốc lá, gồm 7 triệu người hút thuốc lá chủ động và khoảng 1,2 triệu người hút thuốc lá thụ động. Trong khói thuốc có 7.000 chất hóa học, trong đó có 70 chất được xếp vào loại gây ung thư. Khói thuốc lá vẫn có thể tồn tại trong không khí khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy được.
Người không hút thuốc nếu thường xuyên hít phải khói thuốc cũng chịu những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, dễ mắc các bệnh như ung thư phổi, viêm đường hô hấp, các bệnh về tim mạch… như những người hút thuốc trực tiếp. Khói thuốc gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10 m, do đó ngay cả khi người không hút thuốc ngồi ở rất xa người hút thuốc vẫn gặp các nguy cơ về sức khỏe giống như người hút thuốc.
“Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe”, hay “Hít khói thuốc lá thụ động còn độc hơn hút thuốc lá chủ động” là câu chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, nhưng cũng chỉ dừng lại ở việc "nói mãi", chứ chưa có hành động vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng. Để xây dựng môi trường sống không khói thuốc lá, bản thân người hút thuốc cần có ý thức tự bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách giảm số lượng thuốc hút hằng ngày và dần bỏ hẳn thuốc lá.
Còn những người không hút thuốc nên mạnh dạn góp ý, nhắc nhở, thậm chí đấu tranh với hành vi hút thuốc. Các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân đối với tác hại của thuốc lá. Mỗi thành viên trong gia đình nên tích cực khuyên người thân từ bỏ thuốc lá, để tất cả mọi người đều được sống trong môi trường an toàn, không khói thuốc.
Bích Huệ