Nằm giữa Na Uy và Bắc Cực, thị trấn Ny-Alesund chỉ có vỏn vẹn 45 người dân, Wi-Fi bị cấm ở đây, tất cả các ngôi nhà đều được mở khóa trong trường hợp bạn cần trốn khỏi gấu tuyết và nó có bầu không khí cực kỳ sạch sẽ.
Cư dân của thị trấn phần lớn là các nhà khoa học đến đây chính vì lý do này. Năm 1989, một trạm nghiên cứu được xây dựng trên sườn của Zeppelinfjellet, ở độ cao 472m, để giúp các nhà nghiên cứu theo dõi tình trạng ô nhiễm khí quyển. Gần đây hơn, Đài khí tượng Zeppelin, tên gọi của trạm nghiên cứu, đã trở thành một địa điểm quan trọng để đo mức độ khí nhà kính đang gây biến đổi khí hậu.
“Đài khí tượng Zeppelin nằm trong một môi trường xa xôi và nguyên sơ, cách xa các nguồn ô nhiễm chính. Nếu bạn có thể đo lường nó ở đây, điều đó có nghĩa rằng nó có mức độ phổ biến trên toàn cầu. Đây là một địa điểm tốt để nghiên cứu bầu không khí đang thay đổi”, ông Ove Hermansen, nhà khoa học tại Đài quan sát Zeppelin và Viện nghiên cứu Không khí Na Uy cho biết.
Ny-Alesund là một trong những thị trấn ở cực bắc nhất của thế giới.
Nghiên cứu tại Ny-Alesund là một phần quan trọng trong nỗ lực quốc tế nhằm xác định tác động của con người đến bầu khí quyển. Theo ông Hermansen giải thích, các phép đo mà họ thực hiện giúp “phát hiện mức ô nhiễm cơ bản và tính toán xu hướng toàn cầu theo thời gian”.
Với một bên là ngọn núi cao vút, và bên còn lại là vịnh hẹp, đây là một nơi tuyệt đẹp đến nghẹt thở. Đây có lẽ cũng là một trong những nơi tốt nhất trên Trái đất để hít thở, bởi không khí ở đây sạch sẽ nhất thế giới.
“Việc giám sát ở đài quan sát này bao quát rất nhiều vấn đề”, ông Hermansen, người đã làm việc tại Đài quan sát Zeppelin trong hai thập kỷ, cho biết. “Các chất độc trong môi trường đặc biệt đáng chú ý do tác động sinh học của chúng đến trạng thái môi trường Bắc Cực, trong khi việc đo lường khí nhà kính quan trọng trong bối cảnh toàn cầu vì ảnh hưởng của chúng đối với khí hậu”.
Ngoài việc dành phần lớn thời gian để phân tích không khí, thì cuộc sống thường ngày của cư dân thị trấn Ny-Alesund cũng khá lạ thường. Cư dân đến từ khắp nơi trên thế giới bao gồm Pháp, Đức, Anh, Ý, Na Uy, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc, cùng nhiều quốc gia khác. Chỉ có hai chuyến bay hàng tuần đến nơi này từ thị trấn Longyearbyen, Svalbard, trên một chiếc trực thăng rung bần bật.
Thị trấn bao gồm khoảng 30 căn nhà cabin bằng gỗ, được đặt tên theo các trung tâm đô thị lớn toàn cầu, giả sử như Amsterdam, London, Mexico, Ý. Chúng tựa như một lời nhắc nhở về sự cần thiết của quan hệ con người ở những nơi hẻo lánh như thế này. Tuy nhiên, các hình thức kết nối khác lại rất hạn chế - tất cả điện thoại di động và Wi-Fi đều không được bật. Thị trấn là một khu vực không có sóng vô tuyến nhằm cố gắng giới hạn sóng phát thanh trong khu vực nhất có thể và cần có sự cho phép đặc biệt nếu nhà nghiên cứu muốn vận hành bất kỳ thiết bị nào sử dụng đường truyền vô tuyến.
Những cơn bão dữ dội thường làm rung chuyển các căn nhà gỗ trong thị trấn. Thời tiết khắc nghiệt là mối nguy hiểm cho tất cả những người sống và làm việc ở đây. Nhiệt độ lạnh nhất từng được ghi nhận là -37,2oC vào mùa đông. Vào tháng 3 năm nay, nhiệt độ đã đạt mức cao kỷ lục trong tháng là 5,5oC, đánh bại kỷ lục trước đó là 5oC vào năm 1976.
Những người dân ở đây cần có một tinh thần sắt đá để có thể đương đầu với môi trường heo hút, thiên nhiên hoang sơ và các điều kiện khắc nghiệt, đặc biệt khi mặt trời không bao giờ lặn hoặc mọc trong khoảng thời gian dài. Vào mùa đông vùng Bắc Cực, khi bóng tối kéo dài 24 giờ trong nhiều tháng, người dân tìm đường dựa vào đèn pin và ánh trăng. Một nghiên cứu sinh tiến sĩ trẻ người Ý tại đây đã đi bộ một mình qua vùng hoang dã tối tăm với tầm nhìn chỉ khoảng 2-3 m, đối mặt với gió mạnh và tuyết, chỉ để thay bộ lọc trên một số thiết bị.
Svalbard là môi trường sống tự nhiên của gấu Bắc Cực và trong nhiều năm, những con gấu đã tới gần khu dân cư, thậm chí còn đi ngang qua nó. Do đó, cộng đồng có một quy định là không ai được phép khóa cửa bất kỳ ngôi nhà nào, trong trường hợp một con gấu xuất hiện và mọi người cần sơ tán khẩn cấp.
Nhiều câu chuyện được chia sẻ cũng làm chứng cho những thay đổi đang diễn ra trong hệ sinh thái Bắc Cực xa xôi này. Ông Leif-Arild Hahjem, người đã làm việc nhiều năm ở Ny-Alesund với tư cách là kỹ sư của Viện Địa cực Na Uy, đã đến khu vực này từ năm 1984 cho biết: “Hồi đó vịnh hẹp bên cạnh khu dân cư vẫn còn đóng băng, bạn có thể đi trên nó bằng xe trượt tuyết nhưng kể từ năm 2006/2007, nó không còn bị đóng băng nữa. Thị trấn được bao quanh bởi nhiều sông băng, tất cả đều đang ngày càng nhỏ hơn và phần lớn là do nhiệt độ ngày càng tăng”, ông kể lại.
Ông Rune Jensen, người đứng đầu Viện Địa cực Na Uy ở Ny-Alesund cho biết: Dòng nước ấm hơn từ Đại Tây Dương tràn vào làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái ở vịnh hẹp ngay bên ngoài Ny-Alesund. Nó ảnh hưởng đến cả gấu Bắc Cực, khiến chúng buộc phải thay đổi chế độ ăn uống của mình”.
(Theo Tiền phong, ngày 26/11)