Trẻ em là đối tượng có sức đề kháng kém, vì vậy, trong thời điểm giao mùa, trẻ dễ mắc các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như tay - chân - miệng, cúm mùa, sốt xuất huyết… Đây là các bệnh lý thường gặp nhưng cũng dễ gây biến chứng nếu không được điều trị kịp thời.
Cán bộ Trạm Y tế thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên kiểm tra các dấu hiệu mắc TCM ở trẻ. Ảnh: Trà Hương
Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, 2 tháng gần đây, số bệnh nhi nhập viện điều trị tăng cao. Trong đó, có nhiều bệnh nhân mắc tay - chân - miệng (TCM). Bác sĩ CKI Trần Quang Hồng, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho biết: “Trung bình mỗi ngày, Khoa Nhi tiếp nhận điều trị nội trú cho khoảng 6 bệnh nhi mắc TCM, thời điểm cao điểm lên đến 25 bệnh nhân/ngày, chưa kể các trường hợp có triệu chứng nhẹ được chỉ định điều trị tại nhà theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Dịch tay - chân - miệng hiện nay đã có xu hướng giảm số lượng bệnh nhân mắc, tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp bệnh nhi mắc kèm một số bệnh lý nguy hiểm. Điển hình như trường hợp bệnh nhi N.T.A, 15 tháng tuổi ở huyện Yên Lạc mắc tay - chân - miệng kèm viêm tai giữa, viêm phế quản phổi. Đây là trường hợp bệnh lý phức tạp do trẻ bị nhiễm nhiều bệnh, nguy cơ biến chứng cao. Trẻ sốt cao kéo dài dễ dẫn đến co giật, viêm màng não, vì vậy, quá trình điều trị kéo dài hơn, phải kết hợp nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho trẻ”.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, lũy tích số ca mắc tay - chân - miệng ở trẻ từ đầu năm đến nay là 460 trường hợp. Các ca bệnh phân bố rải rác ở các địa phương, không tập trung thành ổ dịch, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Qua công tác xét nghiệm một số ca bệnh ghi nhận chủng vi rút gây bệnh chủ yếu là EV71. Đây không phải chủng vi rút mới nhưng rất nguy hiểm dễ gây biến chứng, làm tăng nguy cơ gây ra các tổn thương đặc hiệu trên da và niêm mạc.
Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh hướng dẫn người nhà bệnh nhi rửa tay cho trẻ theo quy trình 6 bước của Bộ Y tế để giảm nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm. Ảnh: Quỳnh Hương
Đáng chú ý, cùng với bệnh lý TCM vẫn đang diễn biến phức tạp, số lượng trẻ em mắc cúm A và sốt xuất huyết cũng có chiều hướng gia tăng trong những ngày gần đây. Tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 10 - 20 trường hợp trẻ em mắc cúm A đến khám và điều trị; số bệnh nhi mắc sốt xuất huyết đang điều trị tại bệnh viện là 5 trường hợp.
Trước thực trạng nhiều gia đình đổ xô cho con đi xét nghiệm cúm mùa, các bác sĩ khuyến cáo, chỉ xét nghiệm khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không nên xét nghiệm tràn lan bởi đối với các chủng cúm mùa đều là bệnh do vi rút gây ra nên chưa có thuốc điều trị đặc hiệu mà chỉ điều trị triệu chứng.
Còn đối với sốt xuất huyết, triệu chứng ban đầu của bệnh là sốt cao nên dễ dẫn đến nhầm lẫn với bệnh lý khác. Vì vậy, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và thực hiện các xét nghiệm cần thiết nhằm xác định bệnh kịp thời và điều trị đúng phương pháp. Khi nghi ngờ trẻ bị sốt xuất huyết tuyệt đối không dùng thuốc hạ sốt có chứa thành phần Ibuprofen để hạ sốt cho trẻ vì có thể gây xuất huyết tiêu hóa.
TCM và các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ có thể lây lan nhanh trong môi trường học đường. Vì vậy, các cơ sở giáo dục, đặc biệt là trường mầm non và tiểu học đang tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh, hạn chế lây nhiễm chéo.
Cô giáo Nguyễn Thị An, Hiệu trưởng Trường mầm non Hoa Sen, thành phố Vĩnh Yên cho biết: “Đối với trẻ nghi có biểu hiện mắc cúm mùa, TCM và một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhà trường tuyên truyền phụ huynh đưa con đi khám và điều trị kịp thời, tránh lây nhiễm chéo.
Hằng tuần, các lớp tổ chức tổng vệ sinh vào thứ 6 bằng dung dịch sát khuẩn; đồ chơi của trẻ cũng được vệ sinh thường xuyên. Mỗi học sinh đều có khăn mặt và cốc uống nước riêng có ký tự phân biệt. Chăn ga gối đệm cho trẻ nằm ngủ và các dụng cụ cá nhân của trẻ đều được hấp sấy làm sạch thường xuyên. Trong các lớp học có nước ấm cho trẻ uống để hạn chế bệnh về đường hô hấp. Thức ăn của trẻ không chỉ được cân đối về dinh dưỡng mà còn đảm bảo giữ ấm trong mùa đông để trẻ ăn ngon miệng hơn”.
Trước tình hình các dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng gia tăng trong điều kiện thời tiết hiện nay, ngành Y tế đẩy mạnh công tác thu dung, khám và điều trị hiệu quả cho bệnh nhân, không để xảy ra tình trạng quá tải, hạn chế thấp nhất số ca mắc và số ca có biến chứng nặng.
Đối với người dân, ngành Y tế khuyến cáo cần tăng cường thực hiện tốt phương châm “3 sạch” (ăn sạch, uống sạch, ở sạch) và đảm bảo giữ ấm để phòng bệnh, thường xuyên cho trẻ rửa tay sát khuẩn bằng xà phòng và nước sạch, hạn chế đưa trẻ đến nơi đông người có nguy cơ lây nhiễm bệnh cao.
Quỳnh Hương