Đáp ứng nhu cầu mua sắm tiêu dùng của người dân tăng cao dịp cuối năm, hiện các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn tỉnh đã chuẩn bị nguồn hàng, xây dựng phương án cung ứng hàng hoá ra thị trường trong "mùa vàng" mua sắm lớn nhất trong năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình kinh tế trong nước nói chung, trên địa bàn tỉnh nói riêng khiến hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), thương mại, dịch vụ gặp không ít khó khăn, song, thị trường hàng hóa và dịch vụ trên địa bàn vẫn khá sôi động. Các doanh nghiệp, cơ sở SXKD luôn đảm bảo nguồn hàng và cung ứng ra thị trường các sản phẩm, dịch vụ phong phú, đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân.
11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng hơn 19% so với cùng kỳ. Với những tín hiệu tích cực trên, các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn đang kỳ vọng, hoạt động SXKD, thương mại, dịch vụ, đặc biệt việc tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu sẽ tăng cao vào dịp cuối năm.
Nhận định mức tiêu thụ hàng hóa dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tăng khoảng 20% so với năm trước ngay từ tháng 8, Siêu thị GO!Vĩnh Phúc đã chủ động làm việc với các nhà cung cấp, đảm bảo nguồn cung, nâng cao trữ lượng hàng hóa, nhu yếu phẩm thiết yếu, đặt những đơn hàng lớn trong dịp Tết.
Đồng thời ký cam kết cung ứng hàng hóa với giá ổn định, đa dạng các kênh phân phối, tránh tình trạng đứt gãy nguồn cung trong “mùa vàng” mua sắm lớn nhất của người dân trong năm. Đối với mặt hàng giỏ quà Tết, Siêu thị GO!Vĩnh Phúc chuẩn bị tăng 40 mẫu so với năm trước, với giá dao động từ 99 nghìn đồng đến hơn 2 triệu đồng/giỏ. Các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, nước mắm, bột ngọt và đồ tươi sống cũng được tăng số lượng dự trữ.
Bà Phạm Thị Hằng, Trưởng bộ phận khách hàng Siêu thị GO!Vĩnh Phúc cho biết: Với trên 900 nhà cung cấp, trong đó trên 100 nhà cung cấp có các sản phẩm đạt Chứng nhận sản phẩm OCOP, hiện Siêu thị GO!Vĩnh Phúc đang bày bán hơn 64.000 mặt hàng, trong đó hơn 90% là hàng Việt.
Đặc biệt, siêu thị cam kết có hơn 1.000 mặt hàng từ các loại thực phẩm tươi ngon, thực phẩm tiện lợi cho đến các sản phẩm chăm sóc cá nhân có giá luôn rẻ hơn so với các nhà cung cấp khác trong bán kính 10 km.
Cùng với lên kế hoạch đẩy mạnh nguồn cung, từ nay đến cuối năm, Siêu thị GO! Vĩnh Phúc sẽ thực hiện nhiều chương trình kích cầu như bốc thăm trúng thưởng, giảm giá sốc, tặng quà, giảm hoá đơn mua hàng nhằm tri ân khách hàng dịp cuối năm. Dự kiến 45 ngày trước Tết Nguyên đán, siêu thị sẽ dự trữ khoảng 150 tỷ đồng tiền hàng và tăng trưởng 20% so với năm trước.
Với tiêu chí sản phẩm phong phú, đảm bảo và có giá ổn định, hiện Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc đã chốt kế hoạch nhập, dự trữ hàng hoá; có kế hoạch triển khai nhiều chương trình ưu đãi, giảm giá, tặng quà tri ân khách hàng.
Ông Huỳnh Nguyên Hà, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Vĩnh Phúc cho biết: Cũng như các doanh nghiệp, siêu thị trên địa bàn, Co.opmart Vĩnh Phúc đã chủ động nguồn hàng, sẵn sàng cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân dịp cuối năm. Dự kiến các loại hàng hoá thiết yếu tăng gấp đôi so với bình thường.
Cùng với đó, siêu thị đã và đang triển khai các đợt khuyến mãi lớn, kéo dài nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa, đón đầu mùa mua sắm cuối năm. Cụ thể, với chương trình "Sắm thả ga có Co.opmart trợ giá", hiện nay, tại siêu thị đang có hàng nghìn sản phẩm được trợ giá dưới hình thức giảm giá trực tiếp, tặng kèm sản phẩm, giảm bằng giá gốc, mua càng nhiều ưu đãi càng lớn… giúp khách hàng tiết kiệm từ 10 - 50% ngân sách chi tiêu.
Theo nhận định, thị trường tiêu dùng những tháng cuối năm sẽ có nhiều thay đổi do sự biến động về giá xăng, dầu, giá điện… Để đảm bảo cung cầu hàng hóa các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường dịp cuối năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục theo dõi sát diễn biến, tình hình thị trường; tập trung tháo gỡ khó khăn cho SXKD, tạo thuận lợi cho quá trình lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ; chủ động và linh hoạt các biện pháp điều tiết cung cầu và bình ổn thị trường nhằm đảm bảo hoạt động SXKD, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và an sinh xã hội.
Sở Công thương chủ động theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, kịp thời xây dựng các phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường. Triển khai đồng bộ, hiệu quả Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình "Đưa hàng Việt về nông thôn, về khu, cụm công nghiệp" kết hợp với các chương trình hội chợ, khuyến mãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Xử lý nghiêm, kịp thời các hành vi đăng tải thông tin sai sự thật về nguồn cung, giá cả hàng hoá...
Hồng Tính