Kỳ 2: Hiện hữu những làng quê Vĩnh Phúc đáng sống
Vóc dáng Làng văn hóa kiểu mẫu (LVHKM) ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hiện hữu, đang góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Tuy nhiên, để các miền quê này thực sự trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện; đảm bảo việc bảo vệ, quản lý, khai thác có hiệu quả các Khu thiết chế VH-TT và giúp các mô hình sản xuất thực sự đi vào thực tiễn, mang tính bền vững, đòi hỏi cách làm sáng tạo, linh hoạt của từng địa phương.
Khu thiết chế văn hóa, thể thao LVHKM Hòa Bình, xã Hải Lựu (Sông Lô) hoàn thành, đưa vào sử dụng là niềm vui và tự hào của người dân huyện Sông Lô nói chung và người dân thôn Hòa Bình, xã Hải Lựu nói riêng. Ảnh: Trà Hương
Nhân lên niềm vui ở những Làng văn hóa kiểu mẫu…
Hòa trong không khí vui tươi chào mừng kỷ niệm 93 năm ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc (18/11/1930 - 18/11/2023), vào ngày 17/11 vừa qua, Ban Chỉ đạo xây dựng LVHKM huyện Tam Đảo đã tổ chức khánh thành đồng loạt 4 Khu thiết chế VH-TT tại các LVHKM địa bàn huyện bao gồm Đồng Cà, xã Bồ Lý; Bàn Long, xã Minh Quang; Đồng Pheo, xã Yên Dương và Lục Liễu, xã Đạo Trù. Cùng với LVHKM Đồng Bùa, xã Tam Quan đã được khánh thành trước đó, giúp cho niềm vui của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tam Đảo được nhân đôi.
Một trong những mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng LVHKM là giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì và phát triển các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống.
Cụ thể hóa mục tiêu này, tại các địa phương được chọn thí điểm đã có nhiều cách làm sáng tạo trong việc thành lập Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, truyền dạy học tiếng, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Điển hình như huyện Tam Đảo - địa phương có gần 50% dân số là đồng bào dân tộc sinh sống với những nét văn hóa đặc sắc còn lưu giữ. Đưa các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào dân tộc Sán Dìu trở thành nét đặc trưng gắn với phát triển du lịch, Hội LHPN huyện Tam Đảo đã thành lập các CLB văn nghệ, dân vũ, thể thao tại các thôn xây dựng LVHKM.
Theo ông Vũ Huy Cường, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tam Đảo, từ lời ca, điệu múa mang nét truyền thống của người dân trong các mô hình sẽ tạo ra sân chơi văn hóa sau giờ lao động, đồng thời, giúp các LVHKM có thêm cơ hội đón khách tới thăm quan, phát huy thể mạnh cảnh quan, tạo điểm nhấn về du lịch văn hóa cộng đồng, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển lên tầm cao mới.
Không riêng gì lĩnh vực văn hóa, các chính sách hỗ trợ nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, thu hút nguồn lực phục vụ cho sự phát triển KT - XH, chương trình xây dựng LVHKM đã và đang tạo không khí thi đua lao động sản xuất sôi nổi tại nhiều địa phương.
Chị Đỗ Thị Duyên, chủ cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng ở thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích (Lập Thạch) cho biết: Từ số tiền 200 triệu đồng được vay với lãi suất ưu đãi theo chương trình hỗ trợ hộ sản xuất kinh doanh tại các LVHKM thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, gia đình tôi đã có điều kiện đầu tư thêm hàng hóa để kinh doanh, nhờ đó, lợi nhuận tăng lên đáng kể. Cũng từ những chính sách hỗ trợ này, các thành viên trong Câu lạc bộ Cá thính Lập Thạch trong xã đã được tiếp cận nguồn vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần nâng tầm thương hiệu đặc trưng của địa phương.
Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan trong chương trình xây dựng LVHKM là “Xây dựng LVHKM có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc” với kỳ vọng Vĩnh Phúc không chỉ đạt mục tiêu có được 60 LVHKM, mà con số này sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần, để mọi người dân đều được hưởng thành quả từ sự phát triển của tỉnh.
Chính vì vậy, bám sát 14 tiêu chí, 16 cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực theo Nghị quyết số 06 và Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ và thông qua Đề án thực hiện xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030 đã và đang mở ra cơ hội, góp phần nhân lên niềm vui ở những miền quê, song cùng chương xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Các Khu thiết chế VH-TT được đưa vào sử dụng với đầy đủ công năng đã mở ra không gian khang trang, hiện đại là địa điểm vui chơi bổ ích, giúp cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân tại các địa phương. Những mô hình kinh tế bước đầu hình thành và phát huy hiệu quả như nuôi cá, trồng sen, trồng lúa thảo dược, nuôi ong lấy mật... góp phần tạo ra các sản phẩm tốt, đặc trưng của địa phương.
“Đường lớn đã mở”, cần hơn sự sáng tạo của mỗi địa phương…
Đề án thí điểm xây dựng mô hình LVHKM với nhiều chủ trương, chính sách mới, do vậy trong quá trình triển khai thực hiện không tránh khỏi một số khó khăn, vướng mắc do xuất phát điểm của hầu hết các địa phương về các tiêu chí và chỉ tiêu của Bộ tiêu chí xây dựng LVHKM trên địa bàn theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh đều đạt thấp.
Tại một số địa phương của huyện Yên Lạc đã hoàn thành, khánh thành 100% hạng mục công trình Khu thiết chế VH-TT nhưng các tiêu chí xuất phát điểm còn đạt thấp như làng Thụ Ích, xã Liên Châu có 4/14 tiêu chí và 36/63 nội dung đạt; làng Man Để, thị trấn Tam Hồng có 5/14 tiêu chí và 43/63 nội dung; làng Chi Chỉ, xã Đồng Cương có 4/14 tiêu chí và 36/63 nội dung...
Ngoài ra, với một số tiêu chí, nhiều địa phương gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện và đảm bảo hoàn thành do không có thế mạnh hoặc liên quan đến yếu tố phong tục, tập quán, thói quen trong cách làm của người dân như việc di chuyển chăn nuôi ra khỏi khu dân cư tập trung để đảm bảo môi trường sống; phát triển các mô hình farmstay, homestay... Hay như nguồn kinh phí để duy trì, phát huy hết công năng sử dụng của các hạng mục của các Khu thiết chế VH-TT bởi đây là tài sản lớn cần phải được trông coi, bảo vệ, tránh làm thất thoát, hư hỏng.
Để việc xây dựng các LVHKM bền vững, các địa phương cần xây dựng quy chế vận hành hiệu quả và có biện pháp giám sát, quản lý, khai thác, sử dụng Khu thiết chế VH-TT đúng mục đích; phát huy tính tích cực, chủ động trong việc huy động nguồn kinh phí để duy trì tổ chức các hoạt động.
Tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai xây dựng các mô hình, cơ chế chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập trên cơ sở phát huy những lợi thế và điều kiện thực tế của từng địa phương; đồng thời, xây dựng, phổ biến để người dân đăng ký các mô hình phát triển kinh tế mới tạo đột biến và mang lại hiệu quả cao.
Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố cần xây dựng kế hoạch, lộ trình đảm bảo thực hiện cụ thể các tiêu chí và chính sách hỗ trợ xây dựng LVHKM theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh và Đề án về xây dựng LVHKM trên địa bàn; gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cấp ủy, chính quyền các địa phương trong công tác chỉ đạo, triển khai; tập trung cân đối, phân bổ vốn, ngân sách Nhà nước để thực hiện các tiêu chí, mô hình.
Tăng cường xã hội hóa, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các đoàn thể. Phân định rõ trách nhiệm đầu tư từ vốn từ ngân sách Nhà nước, vốn từ xã hội hóa đóng góp của người dân để triển khai đầu tư đồng bộ, hiệu quả, khắc phục tình trạng “dự án hóa”...
Với vai trò vừa là chủ thể, đối tượng thụ hưởng, mỗi người dân cần phải xác định rõ hơn không gian, môi trường sống là của người dân, Nhà nước hỗ trợ một phần, còn lại trách nhiệm đối ứng, vun đắp, gìn giữ cảnh quan môi trường, vệ sinh, xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc dựa trên mối quan hệ tình làng nghĩa xóm, cộng đồng dân cư, sáng - xanh - sạch - đẹp là của người dân, của chi bộ, các tổ chức đoàn thể tại thôn, của cộng đồng dân cư.
Chủ động hơn nữa trong tìm kiếm các cơ hội phát triển kinh tế, gìn giữ, bồi đắp, lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ, làng xóm; hoàn thiện hương ước, quy ước để xây dựng thôn, tổ dân phố thật sự trở thành LVHKM.
Thành An – Lưu Nhung