Nhằm tạo kênh đối thoại, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của doanh nghiệp đi tiên phong trong sản xuất xanh, phát triển xuất khẩu bền vững, sáng 24/11, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với các dự án do Chính phủ Thuỵ Sỹ hỗ trợ tổ chức Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: Vấn đề phát triển xanh, xuất khẩu xanh, bền vững không còn là chủ đề mới bởi các cơ quan Chính phủ, tổ chức công và khối tư nhân trên thế giới đã đặt sự quan tâm lớn tới vấn đề liên quan chủ đề thương mại xanh. Đi liền đó, tăng trưởng xanh, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn đã trở thành xu hướng trên toàn cầu như một giải pháp tích cực nhằm giảm phát thải nhà kính, nâng cao năng lực chống chịu và tính sáng tạo của nền kinh tế, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon và phát triển bền vững.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, phát triển xanh, bền vững được định hướng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 10 năm 2021- 2030 của Việt Nam; Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành ngày 01/10/2021 tại Quyết định số 1658/QĐ-TTg. Gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 843/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động quốc gia hoàn thiện chính sách và pháp luật nhằm thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam giai đoạn 2023 – 2027.
Hiện tại, nhiều nền kinh tế phát triển trên thế giới đã đặt ra những quy định liên quan đến môi trường khắt khe hơn đối với hàng hóa nhập khẩu như: chính sách tăng trưởng xanh châu Âu, thỏa thuận xanh châu Âu kèm theo các cơ chế chương trình. Cụ thể là Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (Carbon Border Adjustment Mechanism - CBAM); Chiến lược từ Trang trại đến bàn ăn (Farm to Fork); Kế hoạch Hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan) hay Chiến lược đa dạng sinh học đến năm 2030...
Chính vì vậy, theo Thứ trưởng, để không bị loại khỏi cuộc chơi bởi các tiêu chuẩn cao về môi trường và xã hội do các thị trường nhập khẩu đặt ra, các nước xuất khẩu cần thay đổi tư duy, quan tâm tới “tính xanh” của chuỗi cung ứng, trong thương mại quốc tế đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật khắt khe của thị trường.
Quang cảnh Diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, nhằm góp phần triển khai, cụ thể hóa định hướng, mục tiêu trên, từ năm 2022, Bộ Công Thương lấy chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” cho Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu thường niên. Theo đó, từ kết quả Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu xanh năm 2022, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng giảm thải carbon, nghiên cứu ban hành chính sách, cơ chế hỗ trợ triển khai các giải pháp áp dụng công nghệ sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, sản xuất sạch hơn, kinh tế tuần hoàn.
Vừa qua, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 980/QĐ-TTG ngày 22/8/2023 về danh mục đối tượng ưu tiên đầu tư các sản phẩm công nghệ, thiết bị, sản phẩm ngành công nghiệp môi trường và Quyết định 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, với mục tiêu đẩy mạnh phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo, giảm mạnh nhiệt điện than.
Ngoài ra, Bộ Công Thương thường xuyên triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại như: Tổ chức chuỗi hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng theo chủ đề giữa Bộ Công Thương, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và hệ thống các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Qua đó, nhằm trao đổi thông tin, cập nhật thông tin mới nhất về quy định của quốc tế, chính sách pháp luật quốc gia nhập khẩu, đặc biệt các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, các chính sách, tiêu chuẩn sản phẩm xanh. Việc này giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực trong quá trình phát triển và sản xuất kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định của pháp luật, đáp ứng quy định của nước nhập khẩu và yêu cầu của các nhà mua hàng quốc tế.
Phát huy kết quả các kỳ Diễn đàn trước, Bộ Công Thương phối hợp với các dự án do chính phủ Thụy Sĩ hỗ trợ, tổ chức Diễn đàn năm 2023, tiếp tục tập trung chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh” nhằm mục đích bàn về giải pháp thực hành phát triển xanh, xuất khẩu xanh, giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu của thị trường nhập khẩu, các quy định của của nước nhập khẩu như: Thỏa thuận xanh châu Âu, cơ chế điều chỉnh carbon...
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đinh Quốc Thái, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam cho biết, ngành thép - một trong những ngành tiêu tốn năng lượng và phát thải nhiều, buộc phải thúc đẩy nhanh hơn quá trình sản xuất xanh, giảm phát thải để tăng xuất khẩu vào EU, hướng tới phục tiêu Net Zero trong dài hạn. Tuy vậy, không dễ để doanh nghiệp có thể thực hiện yêu cầu này bởi làm thép xanh là con đường dài, đòi hỏi nguồn lực về tài chính, công nghệ, cũng như sự chủ động của doanh nghiệp, nhất là khi quy định giảm phát thải carbon vẫn còn mới.
Theo ông Thái, ngành thép Việt Nam và các doanh nghiệp thép đã, đang và sẽ tiếp tục phối hợp với đơn vị liên quan để có hành động đáp ứng được Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon của EU (CBAM). Thời gian tới, Hiệp hội sẽ tiếp tục nghiên cứu giải pháp và lộ trình triển khai nhằm cân bằng việc dần giảm phát thải carbon, đảm bảo tiến tới một ngành sản xuất thép có khả năng cạnh tranh và phát triển xanh. Để đẩy mạnh xuất khẩu, doanh nghiệp thép trong nước phải nâng cao kiến thức và hướng tới sản xuất xanh, bền vững, bắt kịp xu thế của thế giới.
Ngoài ra, để thúc đẩy xuất khẩu, ngoài sự nỗ lực từ phía doanh nghiệp, các cơ quan quản lý cần đơn giản hóa thủ tục nhận và báo cáo dữ liệu liên quan đến phát thải CO2, đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp áp dụng chiến lược/kế hoạch hành động để ứng phó với Cơ chế CBAM. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần được hướng dẫn chi tiết hơn về xác nhận lượng khí thải carbon và gửi dữ liệu cho các đối tượng liên quan đến phát thải CO2…
Ông Lê Văn An, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cơ khí Việt Nam cũng cho rằng: Trong việc chuyển đổi xanh có thể đầu tư năng lượng tái tạo, tận dụng hồ thuỷ lợi, kênh mương tưới tiêu để sản xuất điện năng lượng mặt trời. Cùng với đó, trồng tre ở ven các hồ thuỷ lợi vừa mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân, giữ nước, đất và cây tre cũng mang lại giá trị cả về tín chỉ cacbon. Nếu chúng ta thực hiện được thì việc chuyển đổi sản xuất xanh hoá sẽ rất hiệu quả trong việc phát triển thị trường và xuất khẩu vào thị trường EU.
Đơn cử, cây tre có thể dùng để sản xuất than và than này sản xuất ra hạt nhựa độ phân hủy cao, phù hợp với yêu cầu xanh hoá của EU hay viên nén tre để sản xuất điện sinh khối… Do đó, cơ hội sản xuất xanh phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp, việc chuyển đổi cần có thời gian và sự hướng dẫn cụ thể để đáp ứng được tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu yêu cầu.
Theo TTXVN