Với mục tiêu vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới, công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ nữ luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo sâu sát; các sở, ngành, địa phương chú trọng thực hiện. Qua đó, tạo điều kiện cho phụ nữ phát huy trình độ, năng lực, kinh nghiệm, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.
Cán bộ nữ huyện Lập Thạch luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ảnh: Trà Hương
Huyện Lập Thạch luôn quan tâm, chăm lo công tác cán bộ nữ. Cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện đã xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, giao nhiệm vụ, tạo điều kiện cho cán bộ nữ rèn luyện, phấn đấu; bố trí, đề bạt, giới thiệu, quy hoạch cán bộ nữ tham gia cấp ủy, HĐND, UBND các cấp, tham gia lãnh đạo, quản lý tại các phòng, ban, đoàn thể từ huyện đến cơ sở.
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ nữ của huyện Lập Thạch ngày càng được nâng cao về trình độ lý luận chính trị, văn hóa, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ.
Hiện nay, cấp huyện có 1 cán bộ nữ tham gia Ban Thường vụ Huyện ủy, 6 cán bộ nữ là ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, 8 cán bộ nữ tham gia đại biểu HĐND huyện, 17 cán bộ nữ giữ chức vụ trưởng, phó các phòng, ban, đoàn thể; cấp cơ sở có 107 cán bộ nữ tham gia HĐND, 59 cán bộ nữ tham gia cấp ủy. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo nữ từng bước được phát triển về số lượng và chất lượng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Nhằm phát triển đội ngũ cán bộ nữ, từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ tham gia các chức danh lãnh đạo, quản lý trong cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, đảm bảo đạt được mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, tỉnh đã ban hành nhiều đề án, chương trình, kế hoạch; quy định cơ cấu cán bộ nữ đảm bảo tỷ lệ trong quy hoạch cấp ủy, lãnh đạo chính quyền các cấp từ 25% trở lên; cấp huyện và tương đương có cán bộ nữ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo chủ chốt.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ nữ luôn được cấp ủy, chính quyền ở các cấp, các ngành quan tâm. Đội ngũ nữ cán bộ, công chức từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, trình độ quản lý.
Cán bộ nữ được đảm bảo cơ chế, chính sách công bằng, thuận lợi để được tham gia phát triển, nâng cao tỷ lệ nữ cán bộ, quản lý trong các cơ quan lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành. Căn cứ vào đặc thù giới và khả năng của cán bộ nữ, các cấp ủy, chính quyền, sở, ngành đã đề bạt, bố trí cán bộ nữ vào các vị trí lãnh đạo phù hợp.
Đội ngũ cán bộ nữ đã có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng, hầu hết được đào tạo cơ bản, có phẩm chất đạo đức tốt, có tinh thần trách nhiệm và nhiệt tình trong công tác, phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao; khắc phục khó khăn để tham gia công tác một cách tích cực, chủ động.
Cán bộ nữ khi được bổ nhiệm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý đã phát huy được năng lực, khả năng làm việc và tư duy độc lập, dám nghĩ, dám làm, có khả năng dự báo tình huống và lựa chọn phương pháp quản lý, lãnh đạo phù hợp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Hiện tỷ lệ nữ là lãnh đạo chủ chốt ở cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh đạt gần 30%. Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ 2021-2026 là 33,33%; tỷ lệ nữ đại biểu HĐND nhiệm kỳ 2021-2026 cao hơn so với nhiệm kỳ 2016-2021 lần lượt ở cấp tỉnh là 25,5% (tăng 1,5%), cấp huyện 24,9% (tăng 5,3%), cấp xã 24,57% (tăng 2,61%).
Để phát triển đội ngũ cán bộ nữ cả về số lượng và chất lượng, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể, địa phương thực hiện nhiều giải pháp nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ nữ; thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, lựa chọn và quy hoạch, luân chuyển cán bộ nữ; bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ nữ ứng cử; tạo điều kiện cho cán bộ nữ của tỉnh phát huy tốt năng lực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Thùy Linh