Phát huy truyền thống lao động sáng tạo, tận dụng tốt thời cơ, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, nhất là trong giai đoạn sau tái lập tỉnh. Trên chặng đường xây dựng quê hương giàu có, phồn vinh, Vĩnh Phúc luôn trăn trở tìm cho mình con đường để về đích sớm nhất.
Đánh thức tiềm năng, tạo đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội
Khi tái lập năm 1997, Vĩnh Phúc còn là một tỉnh nghèo, thuần nông; hạ tầng yếu kém; đời sống nhân dân còn khó khăn. Phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, không lùi bước trước gian khó, Vĩnh Phúc đã khai thác tốt lợi thế nằm trong 3 vùng quy hoạch ( Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng Thủ đô); có hệ thống giao thông thuận tiện và điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh công nghiệp và dịch vụ... Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển, tỉnh xác định lấy công nghiệp làm nền tảng; phát triển mạnh dịch vụ, trong đó du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Để thực hiện chiến lược đã đề ra, tỉnh ưu tiên cho công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực...Trên cơ sở đó tập trung nguồn lực, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hệ thống giao thông, điện, nước, viễn thông phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân.
Vĩnh Phúc ưu tiên thu hút các dự án công nghệ cao vào các khu công nghiệp. Ảnh: Khánh Linh
Hệ thống các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh sớm hình thành, thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư. Đến nay, Vĩnh Phúc đã quy hoạch 20 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 5.000 ha và hơn 30 cụm công nghiệp với tổng diện tích hơn 2.000 ha. Cùng với phát triển hạ tầng, tỉnh đẩy mạnh các chương trình xúc tiến đầu tư với phương châm: “Các nhà đầu tư đến đầu tư tại Vĩnh Phúc là công dân của tỉnh, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh”.
Hiện tỉnh 9 khu công nghiệp và gần 20 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút hàng nghìn doanh nghiệp đến đầu tư, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Honda, Toyota, Piaggio... Lĩnh vực du lịch, tỉnh đã thu hút được các nhà đầu tư lớn đầu tư các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Thương hiệu du lịch Vĩnh Phúc dần được khẳng định qua lượng du khách và doanh thu từ lĩnh vực này liên tục tăng trong những năm vừa qua.
Đi đúng hướng, kinh tế của tỉnh bứt phá mạnh mẽ. Từ khi tái lập tỉnh đến nay, bình quân kinh tế của Vĩnh Phúc tăng trưởng gần 15%, cao hơn mức bình quân chung của cả nước. Quy mô nền kinh tế của tỉnh đã tăng 40 lần so với khi tái lập. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng.
Hiện công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm hơn 90%; nông-lâm nghiệp, thủy sản chỉ còn gần 10%. Kinh tế phát triển, thu ngân sách tăng nhanh. Từ một tỉnh phụ thuộc ngân sách Trung ương, đến năm 2004, tỉnh đã tự cân đối được ngân sách và những năm gần đây thu ngân sách đã cán mốc 40 nghìn tỷ đồng. So với khi tái lập, thu ngân sách của tỉnh tăng hơn 300 lần.
Hệ thống hạ tầng ngày càng đồng bộ; diện mạo đô thị và nông thôn ngày càng khang trang. Những ngày này, ở khắp các địa phương cấp ủy, chính quyền và bà con đang dồn sức cho việc xây dựng làng văn hóa kiểu mẫu. Những công trình, phần việc đang làm đều nhằm mục đích nâng đời sống nhân dân, xây dựng các địa phương trở thành các miền quê đáng sống nên bà con rất phấn khởi.
Nâng cao chất lượng tăng trưởng
Thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Vĩnh Phúc đề ra nhiều giải pháp quan trọng. Ở giai đoạn trước, kinh tế của tỉnh có bước nhảy vọt nhờ nguồn vốn đầu tư tăng mạnh. Những năm gần đây, kinh tế của tỉnh có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại. Ngoài nguyên nhân khách quan do tác động của suy thoái kinh tế thế giới, thì lợi thế trong thu hút đầu tư những năm gần đây phải chia sẻ với các tỉnh lân cận nên nguồn lực đầu tư từ bên ngoài không còn dồi dào. Và khi quy mô nền kinh tế đã lớn thì việc tăng trưởng nhảy vọt như giai đoạn trước là điều không thể.
Du lịch phát triển, đóng góp nhiều hơn cho thu ngân sách. Ảnh: Khánh Linh
Do đó, việc chuyển hướng từ tăng trưởng theo chiều rộng sang chiều sâu là rất phù hợp. Để duy trì tăng trưởng kinh tế, cần tiếp tục thu hút các nguồn lực đầu tư. Tuy nhiên, chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh đã có sự thay đổi cho phù hợp với thực tế. Trong lĩnh vực công nghiệp tỉnh ưu tiên thu hút những dự án kỹ thuật cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.
Bên cạnh đó, tỉnh ưu tiên phát triển công nghiệp hỗ trợ, các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao... Thực hiện các giải pháp này này, trong các chuyến xúc tiến đầu tư gần đây, ngoài thị trường truyền thống, tỉnh đã hướng sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ để thu hút các nhà đầu tư và dự án có chất lượng. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; khuyến khích đầu tư các dự án du lịch quy mô lớn, hiện đại….
Bằng những giải pháp hữu hiệu, thời gian gần đây, du lịch Vĩnh Phúc đã có những chuyển biến quan trọng. Thương hiệu du lịch địa phương dần được khẳng định. Doanh thu từ lĩnh vực dịch vụ, du lịch đóng góp ngày càng nhiều hơn cho ngân sách tỉnh.
Đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp...tỉnh đã thu hút được một số nhà đầu tư đầu tư vào lĩnh vực này. Điển hình là Dự án tổ hợp Vinabeef Tam Đảo. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là 3.000 tỷ đồng, trên diện tích đầu tư 75,6 ha, gồm tổ hợp trang trại chăn nuôi, vỗ béo quy mô 10.000 con bò/năm và nhà máy chế biến thịt bò quy mô 30.000 con/năm.
Từ chối các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, chào đón các nhà đầu tư có dự án có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn thân thiện với môi trường… Vĩnh Phúc đang dần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, từng bước nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế dựa trên tăng năng suất lao động và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đó là động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Xuân Hòa