Thực hiện Đề án số 16 của Tỉnh ủy, các trường học trên địa bàn xã Tân Phú, huyện Vĩnh Tường được sắp xếp lại theo hướng phù hợp, tinh gọn, hiệu quả. Trong năm học 2023-2024, việc sắp xếp, tổ chức lại các trường tiểu học (TH), THCS đã hoàn tất, riêng đối với trường mầm non sẽ hoàn thành trong năm học 2024-2025. Sau sáp nhập, bộ máy quản lý hành chính của các nhà trường đã được tinh gọn, nhưng lại bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập...
Nhiều khó khăn, thách thức
Năm 2020, thực hiện Nghị quyết số 868 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, xã Phú Thịnh và xã Tân Cương (Vĩnh Tường) sáp nhập thành xã Tân Phú. Sau sáp nhập, địa phương có 2 trường mầm non, 2 trường liên cấp TH&THCS.
Giờ học văn hóa của học sinh Trường TH Tân Phú (điểm trường 1)
Trên thực tế, các trường đều có quy mô nhỏ nên công tác đầu tư, quản lý và tổ chức các hoạt động giáo dục gặp nhiều khó khăn. Do vậy, Tỉnh ủy đã quyết định thực hiện sáp nhập cấp tiểu học của Trường TH&THCS Phú Thịnh và Trường TH&THCS Nguyễn Kiến thành Trường tiểu học Tân Phú; sáp nhập cấp THCS của Trường TH&THCS Phú Thịnh và Trường TH&THCS Nguyễn Kiến thành Trường THCS Tân Phú; sáp nhập Trường mầm non Phú Thịnh và Trường mầm non Tân Cương thành Trường mầm non Tân Phú.
Năm học 2023-2024 là năm đầu tiên cấp TH và cấp THCS thực hiện việc sắp xếp, tổ chức, kiện toàn bộ máy. Sau sáp nhập, Trường TH Tân Phú có 500 học sinh, với 20 lớp học ở 2 điểm trường, cách nhau khoảng 4 km.
Chưa về được 1 điểm trường, cô Lê Thị Hương, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường TH Tân Phú vẫn còn đó nhiều nỗi niềm. Cô cho biết: "Trường có 2 cơ sở nên việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa còn nhiều bất cập; việc đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cũng gặp khó khăn vì phải thực hiện ở 2 nơi.
Mặt khác, do tình trạng thiếu giáo viên cục bộ nên 1 giáo viên phải dạy 2 điểm trường là chuyện khó tránh khỏi. Mỗi khi triệu tập cuộc họp chi bộ, Công đoàn hoặc sinh hoạt chuyên môn, việc đi lại của cán bộ, giáo viên khá vất vả...".
Câu chuyện về sáp nhập mà vẫn tồn tại 2 điểm trường hay sáp nhập về chung 1 điểm trường đều đặt ra những thách thức đối với các nhà trường. Với Trường THCS Tân Phú, sau sáp nhập trường, học sinh đã về 1 điểm trường để học tập. Hiện, trường có tổng số 26 giáo viên và 397 học sinh tương đương với 12 lớp học. Thuận lợi nhiều nhưng cũng không tránh khỏi những khó khăn.
Theo chia sẻ của Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú Lê Nguyễn Lam: “Về 1 điểm trường đã thuận lợi cho nhà trường trong việc chỉ đạo chuyên môn, tập trung nâng cao chất lượng giảng dạy.
Cụ thể, thời gian trước, cấp THCS của các trường liên cấp cũ chỉ có 13 giáo viên/trường. Cũng bởi ít giáo viên nên 1 năm có những giáo viên phải đứng dạy nhiều đội tuyển, rất khó khăn trong việc trao đổi, học hỏi chuyên môn. Từ khi sáp nhập, tổng số giáo viên là 26 người, theo đó, việc phân bổ giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi cũng thuận lợi hơn trước.
Tuy nhiên, số học sinh sau sáp nhập của trường tăng lên, nhà trường phải chia lại toàn bộ các lớp học dẫn đến tình trạng thiếu phòng học bộ môn. Hiện nay, học sinh đang phải chia học theo 2 ca sáng và chiều”.
Đảm bảo công tác dạy và học
Dù gặp nhiều khó khăn sau sáp nhập, nhưng một trong những mục tiêu chính của các nhà trường vẫn là nâng cao chất lượng giáo dục. Khi chia sẻ về tính thống nhất, đoàn kết trong nội bộ nhà trường, thầy Lê Nguyễn Lam, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Phú rất đỗi tự hào khi chỉ một thời gian ngắn sau sáp nhập, cán bộ, giáo viên nhà trường đã đồng lòng, chung sức góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường.
Khuôn viên Trường THCS Tân Phú sau sáp nhập được tu sửa, chỉnh trang xanh - sạch - đẹp
“Trong công tác chuyên môn, chúng tôi có sự điều chỉnh phù hợp, nắm bắt được năng lực từng giáo viên để phân công làm công tác chủ nhiệm lớp, đứng đội tuyển... Cùng với đó, nhân viên hành chính, giáo viên bộ môn dôi dư đã được cấp trên sắp xếp vị trí công việc mới; giáo viên tiếng Anh còn thiếu đã được Phòng GDĐT huyện bổ sung 1 giáo viên biệt phái".
Trường còn được địa phương quan tâm đầu tư nâng cấp, cải tạo nhà điều hành, các dãy lớp học; xây mới nhà thể chất, nhà để xe, các công trình phụ trợ khác... Về lâu dài, hy vọng của nhà trường là được đầu tư thiết bị dạy học mới, xây dựng thêm phòng học đáp ứng nhu cầu dạy và học” - thầy Lam nói.
Về chủ trương sáp nhập trường học, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Phạm Minh Chính cho biết: “Thời gian qua, Đảng ủy, UBND xã đã tổ chức họp các chi bộ, thống nhất ra nghị quyết sáp nhập trường học và đề nghị các chi bộ tích cực tuyên truyền để người dân hiểu được ý nghĩa, ưu điểm... của chủ trương sáp nhập trường học.
Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân hướng đến giảm điểm lẻ, tập trung điểm chính, để nhân dân thấy được hiệu quả của việc đầu tư cơ sở vật chất do chính người dân đóng góp. Ngoài ra, địa phương đã đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp, xây mới cơ sở vật chất cho các nhà trường với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.
Đối với cấp TH và cấp THCS, năm học 2023-2024 là năm đầu tiên 2 trường thực hiện việc sáp nhập, vẫn biết sẽ còn nhiều khó khăn, song tôi mong phụ huynh, học sinh và các thầy, cô giáo cố gắng vượt qua. Người dân xã Tân Phú hiểu và chia sẻ để thực hiện thành công việc sáp nhập trường học, đảm bảo quyền lợi cho chính con em chúng ta”.
Bài, ảnh: Thảo My