Nâng cao tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận các dịch vụ y tế hiện đại, chất lượng cao nhằm tạo sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe (CSSK) là mục tiêu luôn được tỉnh đẩy mạnh thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực. Hiệu quả của chính sách đã giúp sức khỏe thể chất và tinh thần, chất lượng đời sống của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của tỉnh đối với nhân dân các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Sông Lô phẫu thuật nội soi tán sỏi niệu quản cho người bệnh. Ảnh: Trà Hương
Để nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh, Trung tâm Y tế huyện Sông Lô luôn ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh và triển khai thành công nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật khó trong các lĩnh vực sản khoa, ngoại khoa, cấp cứu, hồi sức…
Bác sĩ CKI Vũ Hồng Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sông Lô cho biết: “Hiện nay, một số kỹ thuật cao đã được trung tâm triển khai thường quy là phẫu thuật nội soi viêm ruột thừa lạc chỗ ở người lớn và trẻ em 5 tuổi; phẫu thuật cấp cứu thủng tạng rỗng, thủng dạ dày; cắt u xơ tử cung, u nang buồng trứng bằng phương pháp nội soi; phẫu thuật nội soi thoát vị bẹn; nội soi tán sỏi niệu quản, sỏi bàng quang bằng laser…
Tháng 6/2023, trung tâm đã khai trương và đưa Đơn nguyên Thận nhân tạo thuộc Khoa Hồi sức-Cấp cứu đi vào hoạt động. Đơn nguyên được trang bị 5 máy chạy thận nhân tạo hiện đại được nhập khẩu từ Đức cùng hệ thống máy thở, máy Monitor theo dõi, bơm tiêm điện, máy truyền dịch, hệ thống lọc nước RO tự động…
Hiện nay, đơn nguyên điều trị cho 18 bệnh nhân bị suy thận cấp tính, suy thận mãn tính, người bệnh phải lọc máu, chạy thận, trong đó có nhiều bệnh nhân là đồng bào dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn. Việc triển khai hiệu quả các dịch vụ y tế chất lượng cao tại trung tâm đã góp phần giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, giảm chi phí đi lại, giảm tình trạng quá tải cho cơ sở y tế tuyến trên”.
Bệnh nhân Hà Văn Mịch (78 tuổi) ở xã Hải Lựu, huyện Sông Lô cho biết: “Tôi bị suy thận từ năm 2014. Gần 10 năm qua, tôi liên tục phải di chuyển đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên để chạy thận và điều trị bệnh. Do tuổi cao, sức khỏe yếu, tình trạng bệnh nặng nên việc phải di chuyển quãng đường xa khiến tôi rất mệt mỏi, tốn kém tiền của. Từ khi Trung tâm Y tế huyện Sông Lô triển khai dịch vụ chạy thận nhân tạo, tôi rất vui mừng, phấn khởi và đã chuyển về đây điều trị”.
Cùng với hệ thống y tế tuyến huyện, trạm y tế của các xã miền núi, vùng sâu vùng xa cũng luôn nỗ lực thực hiện tốt công tác CSSK ban đầu cho nhân dân. Tại xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo, với đặc thù là địa phương có 31% người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, trước đây, một số người dân trên địa bàn xã còn duy trì những hủ tục lạc hậu như tảo hôn, kết hôn cận huyết, không chú trọng thực hiện các biện pháp KHHGĐ...
Tuy nhiên hiện nay, nhờ sự vào cuộc của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể và đội ngũ cán bộ y tế, những hủ tục này đã được xóa bỏ. Người dân trên địa bàn xã thường xuyên được cán bộ trạm y tế tư vấn, cung cấp kiến thức hữu ích về CSSK khoa học, hiệu quả.
9 tháng năm 2023, Trạm Y tế xã Bồ Lý đã thực hiện tốt công tác trực khám, chữa bệnh 24/24h, đảm bảo an toàn tiêm chủng, không để xảy ra tai biến. Trên địa bàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm. Các chương trình phòng, chống lao; theo dõi quản lý, khám và cấp phát thuốc cho bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng; phòng sốt xuất huyết, phát hiện các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm… đạt kết quả tốt. Cán bộ trạm y tế cũng thường xuyên phối hợp với các nhà trường trên địa bàn theo dõi, quản lý sức khỏe cho các em học sinh.
Những kết quả đạt được trong công tác CSSK ban đầu và đẩy mạnh phát triển các dịch vụ y tế chất lượng cao cho bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các huyện miền núi luôn được nhân dân ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, có thể thấy, tại một số địa phương có điều kiện KT-XH còn khó khăn vẫn thiếu hụt nhiều dịch vụ y tế chuyên sâu; hệ thống cơ sở vật chất của trạm y tế ở nhiều xã, thị trấn đã xuống cấp; thiếu đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ có tay nghề, trình độ cao. Đây là những rào cản cần sớm được tháo gỡ để chất lượng công tác CSSK nhân dân ngày càng được nâng lên.
Quỳnh Hương