Còn chưa đầy 1 tháng là kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden vẫn không ngừng "ra đòn" áp chế Trung Quốc, mà trong đó được đánh giá là "mở sẵn đường" cho người kế nhiệm Donald Trump.
Chính quyền của Tổng thống Biden vừa công bố tiến hành cuộc điều tra thương mại dài hạn đối với các chất bán dẫn thế hệ cũ được sản xuất tại Trung Quốc. Đây là nhóm linh kiện cấp thấp được sử dụng rất nhiều trong các loại hàng hóa từ ô tô đến máy giặt hay thiết bị viễn thông.
Nhà Trắng sắp đổi chủ nhưng vẫn có nhiều động thái nhằm vào Trung Quốc.
Bước ngoặt mới trong cạnh tranh Mỹ - Trung
Các chip bán dẫn thế hệ cũ được sử dụng bằng các quy trình ra đời cách đây hơn một thập niên và thường đơn giản hơn nhiều so với các chip được sử dụng trong các ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) hoặc bộ vi xử lý tiên tiến hiện nay.
Lâu nay, Washington đã đưa ra nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực công nghệ của Bắc Kinh, đặc biệt là ngành bán dẫn. Nhưng lần này, việc điều tra tập trung vào cả chip bán dẫn thế hệ cũ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ngày 23/12 dẫn nghiên cứu của Bộ Ngoại giao cho thấy 2/3 sản phẩm của nước này có sử dụng chip bán dẫn thế hệ cũ của Mỹ. Và 50% số doanh nghiệp Mỹ, bao gồm cả một số công ty hoạt động trong lĩnh vực quốc phòng, không hoàn toàn nắm rõ nguồn gốc linh kiện bán dẫn thế hệ cũ mà doanh nghiệp này dùng. Vì thế, tình trạng này được cho là "đáng báo động".
Phản ứng lại, đại diện Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố cuộc điều tra chỉ nhằm mục đích "bảo hộ" và sẽ làm tổn thương các công ty Mỹ, cũng như làm gián đoạn chuỗi cung ứng chip toàn cầu.
Trả lời báo chí ngày 25/12, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá động thái vừa nêu của Tổng thống Biden mang nhiều ý nghĩa.
"Đầu tiên, đây là một bước nữa để leo thang cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc. Các bước tăng cường trừng phạt đòi hỏi thời gian để điều tra. Trong thời đại hiện nay, rất nhiều sản phẩm sử dụng linh kiện bán dẫn thế hệ cũ. Ngay cả công ty sản xuất các sản phẩm này cũng khó xác định được tất cả các nguồn linh kiện và vật liệu ở đâu. Vì thế, để đảm bảo an ninh kinh tế thì đòi hỏi một cuộc điều tra dài hạn", TS Nagao phân tích.
Vì mất nhiều thời gian, nên các cuộc điều tra lâu nay chỉ mới tập trung vào các linh kiện bán dẫn cao cấp, tiên tiến. "Hệ thống vũ khí mới nhất của Trung Quốc dựa vào các chất bán dẫn tiên tiến như vậy", ông Nagao giải thích thêm lý do tại sao Washington lâu nay chủ yếu tập trung vào nhóm linh kiện bán dẫn tiên tiến của Bắc Kinh.
"Tuy nhiên, kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự nhằm vào Ukraine, linh kiện chất bán dẫn không phải tiên tiến, tức nhóm cấp thấp và đời cũ, đã trở thành vấn đề đáng lo ngại. Có thông tin cho rằng Nga đã tăng cường nhập khẩu máy móc dân dụng và lấy linh kiện bán dẫn từ nguồn này để phục vụ cho công nghiệp quốc phòng. Thực tế, từ nguồn linh kiện bán dẫn cấp thấp cũng có thể sản xuất số lượng lớn vũ khí", TS Nagao phân tích thêm.
Nhà Trắng sắp đổi chủ từ ông Joe Biden sang ông Donald Trump, nhưng TS Nagao đánh giá: "Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục". Không riêng gì ông Nagao, giới quan sát cũng nhận định cuộc điều tra kéo dài này có thể trong tương lai sẽ trở thành cơ sở để ông Trump tăng cường trừng phạt Bắc Kinh về lĩnh vực công nghệ trong cuộc thương chiến giữa hai bên.
"Lo xa" cho Đài Loan
Cũng trong những ngày cuối nhiệm kỳ, chính quyền của Tổng thống Biden ngày 20/12 đã công bố gói viện trợ quân sự trị giá 571,3 triệu USD cùng đơn hàng vũ khí trị giá 295 triệu USD cho Đài Loan. Tuy nhiên, cả Washington lẫn Đài Bắc đều chưa công bố chi tiết gói viện trợ quân sự và đơn hàng vũ khí.
Phản ứng lại, người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan, thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, ngày 22/12 tuyên bố nước này kiên quyết phản đối việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Đài Loan dưới bất kỳ hình thức nào.
Cũng liên quan đến vũ khí do Washington cung cấp cho Đài Bắc, ngày 16/12, đơn hàng gồm 38 xe tăng chiến đấu chủ lực M1A2T đã cập cảng Đài Loan rồi chuyển đến một trung tâm huấn luyện thiết giáp ở đảo này. Số xe tăng này đánh dấu lần đầu tiên sau 23 năm, Đài Bắc lại nhận được xe tăng do Washington cung cấp. Đây là lô đầu tiên của đơn hàng gồm 108 xe tăng M1A2T mà Mỹ thỏa thuận cung cấp cho Đài Loan vào năm 2019. Là biến thể của dòng M1 Abrams, xe tăng M1A2T được kỳ vọng cho phép Đài Loan tăng cường năng lực phòng thủ, chống tấn công đổ bộ.
Việc đẩy nhanh các gói viện trợ quân sự, vũ khí cho Đài Loan được đánh giá là động thái của chính quyền Tổng thống Biden nhằm củng cố năng lực quân sự cho Đài Bắc, trong bối cảnh chính quyền sắp tới của ông Trump được dự báo sẽ có nhiều cân nhắc đối với vấn đề hỗ trợ cho Đài Loan.
Q.N (theo Báo Thanh niên)