Tổ chức Kỷ lục Guinness thế giới công nhận cụ Lucile Randon, người Pháp, qua đời ở tuổi 118 là người cao tuổi nhất thế giới. Sau đó là cụ Branyas, người Tây Ban Nha đã qua đời ở tuổi 117. Theo Nhóm nghiên cứu lão khoa Mỹ, sau khi các cụ Lucile Randon, Branyas mất, người cao tuổi nhất thế giới là cụ Tomiko Itakeoka ở Nhật Bản 117 tuổi (sinh ngày 23/5/1908). Tại tổ dân phố Trại Lớn, thị trấn Tam Hồng, huyện Yên Lạc có cụ Đỗ Thị Trâm năm nay bước sang tuổi 116 đang sống khoẻ mạnh cùng các con, cháu, chắt, chít của mình.
Tôi đến thăm cụ Đỗ Thị Trâm vào một buổi sáng cuối tuần, thời điểm mà các con cháu cụ được nghỉ, cả nhà quây quần đầm ấm bên nhau. Cụ Trâm ngồi trên giường trò chuyện với con gái và các cháu, chắt rất vui vẻ.
Cụ Đỗ Thị Trâm với con gái thứ 3.
Ở cái tuổi xưa nay quá hiếm như cụ Trâm, trong câu chuyện của cụ với các con cháu có lúc nhớ, lúc quên. Nhưng đáng quý là cụ vẫn còn khỏe khoắn, giọng nói mạch lạc, da dẻ hồng hào và nhớ mặt các con, cháu thường xuyên gần gũi cụ. Mỗi ngày cụ Trâm ăn 3 bữa, chưa kể bữa phụ. Mỗi bữa cụ tự xúc ăn hết một bát cơm, rau, thịt ngon lành mà không cần con cháu hỗ trợ.
Cụ Đỗ Thị Trâm có 4 người con gái. Con gái cả của cụ năm nay nếu còn sống cũng đã ngoài 80. Do không có con trai nên hiện nay cụ Trâm đang ở với các chắt. Hằng ngày, vào các buổi sáng, trưa, tối, các chắt thay phiên nhau chăm sóc cụ Trâm từ miếng ăn, giấc ngủ cũng như hỗ trợ việc sinh hoạt cá nhân.
Mặc dù tuổi cao nhưng qua khám sức khoẻ định kỳ, cụ Đỗ Thị Trâm không có bệnh tật gì. Khi được hỏi, cụ bảo: “Tôi chả thấy đau đớn ở đâu, ăn ngon, ngủ tốt. Thậm chí, mấy lần tôi bị ngã nhưng may mắn chỉ trầy xước ngoài da".
Theo căn cước, cụ Trâm sinh năm 1909.
Thời trẻ, cụ Trâm làm ruộng, cuộc sống lam lũ vất vả. Có một quãng thời gian dài cụ làm nghề hàng xáo, thường xuyên đi mua thóc về xay xát và gánh gạo đi chợ bán. Ngày nay, mỗi lần ngồi nói chuyện với các con cháu, cụ Trâm vẫn nhắc lại quãng thời gian khốn khó, vất vả của mình.
Hằng ngày, các con cháu đi làm hết nên cụ Trâm ở nhà một mình. Ở nhà chán, nhiều hôm cụ chống gậy ra ngõ tìm con cháu, hoặc bắc cái ghế ngồi ngoài cửa ngóng mọi người đi làm về. Trò chuyện với tôi, cụ Trâm thỉnh thoảng có nhắc đến người con gái út của mình đi lấy chồng xa (ở thành phố Việt Trì) thi thoảng có về thăm, mua quà bánh cho cụ với niềm thương nhớ da diết.
Cụ Trâm hiện có 76 cháu, chắt, chít.
Bà Nguyễn Thị Cảnh, con gái thứ 3 của cụ Trâm cho biết: “Nhà tôi ở cạnh đây nên ngày nào cũng sang phụ các cháu, chắt chăm sóc cho cụ. Gia đình tôi con cháu đông, lại ở gần cụ nên mỗi người một tay một chân phục vụ cụ nên không thấy vất vả. Ngược lại, được cùng nhau chăm sóc cụ, mọi người ai cũng thấy vui, phấn khởi khi thấy cụ khỏe khoắn”.
Ngôi nhà của cụ Trâm đầy rêu phong, cổ kính và được con cháu gìn giữ.
Hằng ngày, cứ tầm 7h sáng, cụ Trâm dậy và được các chắt cho ăn sáng. Hôm thì ăn cháo, bánh hòn, bánh tẻ, còn trưa và tối thì ăn cơm như các thành viên khác trong gia đình. Thấy có khách đến chơi, cụ cũng bắt chuyện rôm rả. Với giọng nói mạch lạc, cụ bảo: “Tôi tuy ít con nhưng các cháu, chắt, chít thì nhiều lắm, không nhớ hết. Ngày lễ Tết chúng nó về chơi chật nhà, rồi cho tôi tiền, quà bánh… ăn tối ngày không hết”.
Cụ Trâm còn nhớ mỗi năm được Nhà nước tặng quà 1 triệu đồng vào dịp Tết Nguyên đán. Cụ khoe với tôi sự hiếu thảo, thành đạt của các con cháu nhưng thỉnh thoảng cũng phàn nàn về căn bệnh điếc của mình. Mặc dù cao tuổi nhưng với các chắt, chít, cụ rất thương quý. Cháu nào đến chơi cụ cũng muốn ôm, bế vào lòng cưng nựng, chuyện trò.
Được biết, cụ Trâm có 4 chị em gái, trong đó, người em gái út năm nay cũng tròn 100 tuổi, ở thị trấn Tam Hồng nhưng sức khỏe không tốt bằng cụ Trâm.
Hiện nay cụ Đỗ Thị Trâm có 25 cháu, 34 chắt và 16 chít. Vào dịp Tết Nguyên đán, các con, cháu, chắt, chít lại tề tựu, sum họp đông đủ để chúc thọ cụ.
Hằng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, chính quyền địa phương và gia đình đều tổ chức mừng thọ, chúc thọ cụ rất trang trọng, đầm ấm.
Không có bệnh trong người, được con cháu quan tâm, chăm sóc chu đáo giúp cụ Trâm duy trì được tuổi thọ hiếm thấy. Sự hiếu thảo, hòa thuận trong gia đình giúp cụ an tâm, có tinh thần lạc quan trong cuộc sống.
Đây là nét đẹp truyền thống văn hóa gia đình ở mỗi địa phương cần được phát huy. Bởi, các con cháu không chỉ có điều kiện giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi về vật chất, tinh thần mà còn góp phần giáo dưỡng thế hệ trẻ kế thừa những giá trị truyền thống, đạo đức của gia đình.
Bài, ảnh: Hà Trần