Nhiều thói quen ăn uống đang khiến canxi bị đào thải ra khỏi cơ thể, gây hại cho hệ xương khớp.
Theo Viện Y học Ứng dụng Việt Nam, trong cuộc sống hiện đại, không ít người đã vô tình tạo ra những thói quen tưởng chừng như vô hại nhưng lại âm thầm gây tổn hại đến sức khỏe xương khớp. Hiểu rõ những thói quen này và tìm cách thay đổi kịp thời là điều cần thiết để bảo vệ hệ xương khỏe mạnh.
1. Ăn mặn
Nhiều người Việt vẫn duy trì thói quen ăn mặn.
Một trong những yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến sức khỏe xương chính là chế độ ăn uống.
Việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể khiến cơ thể đào thải canxi, một khoáng chất thiết yếu cho xương. Các chuyên gia khuyến nghị không nên nạp quá 2.300mg natri mỗi ngày. Đáng chú ý, nhiều thực phẩm thông dụng như bánh mì, phô mai, snack, và các loại thịt nguội thường chứa hàm lượng muối cao.
Theo Kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện, tỷ lệ dân số luôn luôn hoặc thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu ăn hoặc trong khi ăn là 78,2%.
Có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình một người trưởng thành tiêu thụ 8,1g muối trong một ngày.
Đáng nói, dù ăn nhiều muối, nhưng người Việt không ý thức được lượng muối đang nạp vào là nhiều.
Theo chuyên gia Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nếu bạn ăn một bát phở bò tái chín, lượng muối trong đó đủ cung cấp cho cơ thể trong một ngày, với khoảng trên 3,34g muối; trong bát phở bò sốt vang cung cấp gần 483kcal, chứa tới 4,6g muối.
2. Lạm dụng đồ uống có ga
Thói quen uống nhiều đồ uống có ga, đặc biệt là các loại nước ngọt có ga, cũng có thể gây hại cho xương.
Nghiên cứu cho thấy cả caffeine và phốt pho trong những đồ uống này đều có liên quan đến tình trạng mất xương. Tương tự, việc uống quá nhiều cà phê hoặc trà cũng có thể làm cơ thể mất canxi.
3. Sử dụng đồ uống có cồn
Lạm dụng rượu bia gây hại cho xương.
Đồ uống có cồn có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe xương thông qua nhiều cơ chế sinh học khác nhau. Rượu bia làm suy giảm khả năng hấp thu canxi và vitamin D của cơ thể, hai chất dinh dưỡng thiết yếu cho việc duy trì và phát triển xương khỏe mạnh.
Ngoài ra, cồn còn ức chế hoạt động của tế bào tạo xương và làm rối loạn nội tiết tố, dẫn đến giảm mật độ xương theo thời gian.
Để bảo vệ sức khỏe xương, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo giới hạn lượng cồn tiêu thụ: phụ nữ không quá một đơn vị cồn/ngày (tương đương 330ml bia hoặc 150ml rượu vang), nam giới không quá 2 đơn vị cồn/ngày.
Việc uống quá nhiều rượu bia không chỉ làm tăng nguy cơ loãng xương mà còn làm tăng khả năng té ngã, dẫn đến nguy cơ gãy xương cao hơn.
4. Ăn quá nhiều đạm
Protein đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và xây dựng hệ cơ bắp, là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn uống cân bằng. Tuy nhiên, khi nạp quá nhiều protein từ thịt đỏ, cơ thể có thể rơi vào tình trạng thừa protein, dẫn đến tăng bài tiết canxi qua nước tiểu.
Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng giúp xương chắc khỏe. Khi bị đào thải quá mức, xương sẽ mất dần sự bền vững, làm tăng nguy cơ loãng xương và gãy xương, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh.
Lời khuyên của chuyên gia
Việc duy trì một bộ xương khỏe mạnh không chỉ phụ thuộc vào chế độ ăn uống giàu canxi hay các hoạt động thể chất đơn thuần, mà còn đòi hỏi sự chú ý đến những thói quen sinh hoạt hàng ngày.
Từ việc hạn chế muối, caffeine, đồ uống có ga, cho đến việc tăng cường vận động và bổ sung vitamin D từ ánh nắng mặt trời, mỗi hành động nhỏ đều có thể góp phần cải thiện sức khỏe xương của bạn.
Hiểu rõ và điều chỉnh những thói quen gây hại là cách tốt nhất để bảo vệ xương, giúp giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về xương trong tương lai.
Dương Chung (Theo dantri.com.vn)