Sau gần 20 năm “bén duyên” với đồng đất Lập Thạch, đến nay, thanh long ruột đỏ đã trở thành một trong những loại cây trồng có thế mạnh của địa phương, giúp nhiều hộ gia đình vươn lên làm giàu.
Hộ anh Trần Quang Cường, thôn Tam Phú, xã Vân Trục áp dụng khoa học kỹ thuật trồng thanh long trái vụ cho hiệu quả kinh tế cao.
Hiện, toàn huyện có hơn 320 ha thanh long ruột đỏ, diện tích đang cho thu hoạch hơn 130ha, tập trung tại các xã Xuân Hòa, Vân Trục, Quang Sơn, Hợp Lý, Ngọc Mỹ. Năng suất bình quân đạt từ 15 - 20 tấn quả/ha/năm, với sản lượng gần 5.000 tấn/năm.
Sản phẩm thanh long ruột đỏ Lập Thạch đã được Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số vùng trồng (P.U.C) với diện tích 20 ha và hơn 38 ha được chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP, được UBND tỉnh phê duyệt nằm trong danh sách sản phẩm OCOP đánh giá phân hạng chất lượng 3 sao.
Nhiều nông hộ đã mạnh dạn ứng dụng công nghệ, làm chủ kỹ thuật sản xuất thanh long trái vụ, kéo dài thời gian thu hoạch, cung ứng hàng hóa ổn định cho thị trường, nâng cao năng suất, giá trị nông sản.
Điển hình như mô hình trồng thanh long của gia đình ông Nguyễn Quốc Huân, thôn Đồng Núi, xã Vân Trục, đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang các thị trường Hoa Kỳ, Úc, Trung Quốc.
Hay hộ anh Nguyễn Đắc Thành, xã Xuân Hòa đã ứng dụng công nghệ số vào sản xuất thanh long trên diện tích hơn 10ha, giúp quản lý tốt cây trồng thông qua hệ thống IoT giám sát và dự báo khí hậu nông nghiệp; sản lượng hàng năm đạt từ 25-30 tấn, thu lãi gần 1 tỷ đồng/năm.
Tin, ảnh: Khánh Linh