Những cây cầu mang tên "Hy vọng" được thanh niên xây dựng ngày càng nhiều ở TP.Cần Thơ, góp phần giúp giao thông nông thôn liền mạch, tạo động lực cho người dân xây dựng làng quê đáng sống.
Triển khai từ năm 2018, đến nay Quỹ Hy vọng và Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Cần Thơ đã xây dựng 133 cây cầu Hy vọng tại các quận, huyện: Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thốt Nốt. Trong đó, xã nông thôn mới nâng cao Thạnh Lộc (H.Vĩnh Thạnh) được xây nhiều nhất, với 10 cây cầu, góp phần giúp giao thông liền mạch giữa các ấp và các xã lân cận. Một vùng quê từng phụ thuộc nhiều vào xuồng, ghe dần làm quen với việc ô tô chạy vào tận nhà để thu mua nông sản.
Hàng trăm người góp sức xây cầu
Đến xã Thạnh Lộc, hỏi sơ về cầu Hy vọng, người dân đều biết ít nhiều. Ông Đặng Văn Gấu (66 tuổi, ấp Tân Thạnh) cho biết nơi đây sông ngòi chằng chịt, bà con luôn mong những cây cầu kết nối đôi bờ. Đã từng có một thế hệ chịu khó đi xin khung cầu sắt cũ về tái sử dụng. Việc này rất vất vả vì phải tháo rời từng bộ phận, vận chuyển nặng nhọc. Đa phần kích thước khung cầu sắt cũ không vừa sông quê nên phải mất công sức "chế" thêm hoặc cắt bớt cho phù hợp. Người dân mong chờ lắm những cây cầu bằng bê tông để an tâm đi lại và góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển.
Người dân xã Thạnh Lộc đi trên cây cầu Hy Vọng 360 (ấp Tân Thạnh) khánh thành ngày 28.6
Những cây cầu Hy vọng đã giúp ước mơ này thành sự thật khi được bê tông hóa, rộng 4 m, dài 20 - 30 m tùy nơi. Điều thuận lợi là xã Thạnh Lộc có một đội xây cầu từ thiện khoảng 20 người (50 - 60 tuổi), phần nhiều là nông dân. Hễ bắt tay xây cầu, họ đều làm việc hết mình và lo luôn phần thiết kế, kỹ thuật công trình.
Ngày đổ cột, đổ đà, đổ mặt cầu được xem là cao điểm ra quân xây cầu Hy vọng. Thành phần tham gia gồm: thanh niên, bà con lao động, cán bộ công chức, chiến sĩ công an, dân quân tự vệ, cựu chiến binh, hội phụ nữ, đồng bào tôn giáo… Số lượng có khi lên tới hàng trăm người, phái nữ lo nấu ăn tiếp sức, phái nam phụ trách ngoài công trình. "Có ngày người nhiều hơn việc nên chia ra làm. Nhóm này phụ 15 - 20 phút rồi ra nghỉ, nhóm khác vào thay. Bà con ở đây trân trọng những cây cầu lắm, nghe ngày nào làm là chuẩn bị nấu xôi, cháo, hủ tiếu, nước uống đầy đủ. Trong số các thành phần tham gia, chúng tôi dành tình cảm nhiều với đoàn viên, thanh niên, bởi các cháu vừa góp sức, vừa có công kết nối nguồn lực để xây cầu", ông Gấu tâm tình.
"Đám cưới bây giờ vui hơn hẳn vì xe 7 chỗ, 16 chỗ có thể qua cầu rước dâu. Đường bộ thông thoáng, xe cộ qua lại nhộn nhịp nên bà con quan tâm nhiều hơn đến diện mạo nhà cửa của mình. Hai bên đường, họ tỉa tót cây xanh, trồng nhiều loại hoa khác nhau. Quan cảnh xóm làng đẹp hơn thấy rõ, làng quê đáng sống hơn bao giờ hết" - Ông Lê Đinh Vũ, ngụ ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc, H.Vĩnh Thạnh, TP.Cần Thơ
Làng quê khởi sắc
Tại cầu Hy vọng 360 (cầu cua Bắc Trăng), ông Đặng Văn Khang (62 tuổi) cho biết công trình khánh thành ngày 28.6, mở ra bước ngoặt cho ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc. Bởi, bên kia cầu người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng củ cải, có câu lạc bộ trồng mai vàng (24 hộ dân), hoạt động mua bán diễn ra liên tục. Cây cầu cũ bằng khung sắt, rộng khoảng 1,5 m chỉ đủ cho người đi bộ và xe máy qua lại. Xe 4 bánh qua không được nên việc mua bán gặp rất nhiều khó khăn, thua thiệt.
Ông Khang so sánh: "Trước khi có cây cầu mới, bán mai phải khiêng xuống ghe chở ra sông, tới bờ khiêng lên cho khách. Vất vả và tốn kém vì những chuyện này phải thuê nhân công mới làm nổi. Cây nhỏ thì mất vài trăm ngàn đồng, cây lớn cần mấy người khiêng thì mất tiền triệu. Củ cải thì phải chịu lỗ tầm 500 - 1.000 đồng/kg. Bây giờ, xe 4 bánh vào tận nhà vườn, nông dân không phải chi khoản tiền này nữa nên phấn khởi lắm. Nhiều người còn muốn nhân rộng mô hình kinh tế".
Người dân trong xã Thạnh Lộc hết lòng bảo vệ những cây cầu Hy vọng dù mới hay cũ. Mỗi cây cầu đều gắn 2 trụ đèn chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời để người đi đường dễ quan sát, tránh va vào cầu. Nhờ có công trình này, vùng quê dần được nâng cấp, xe cứu thương có thể qua được. Nhiều hộ dân trước đây e ngại chi phí vận chuyển vật liệu xây dựng, nay mạnh dạn sửa sang nhà cửa và mua xe vì đường sá không còn cách trở.
"Đám cưới bây giờ vui hơn hẳn vì xe 7 chỗ, 16 chỗ có thể qua cầu rước dâu. Đường bộ thông thoáng, xe cộ qua lại nhộn nhịp nên bà con quan tâm nhiều hơn đến diện mạo nhà cửa của mình. Hai bên đường, họ tỉa tót cây xanh, trồng nhiều loại hoa khác nhau. Quan cảnh xóm làng đẹp hơn thấy rõ, làng quê đáng sống hơn bao giờ hết", ông Lê Đinh Vũ (45 tuổi, ấp Tân Thạnh, xã Thạnh Lộc) vui vẻ nói.
Theo ông Lê Thanh Tứ Hải, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lộc, những cây cầu Hy vọng đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Rõ nhất là về mặt kinh tế, khi việc vận chuyển, giao lưu hàng hóa thuận lợi hơn trước nhiều. Tổng kinh phí cho 10 cây cầu đã hoàn thiện gần 2 tỉ đồng (từ năm 2022 đến nay - PV), dự kiến còn 3 cây cầu sẽ xây trong năm 2024. Địa phương sẽ rất khó khăn để triển khai nhanh được như vậy nếu không có nguồn kinh phí do Quỹ Hy vọng cùng Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam TP.Cần Thơ mang đến và sự đóng góp của những tấm lòng hảo tâm. Xã Thạnh Lộc rất mong thanh niên sẽ huy động được thêm những cây cầu để hoàn thiện, mở rộng hệ thống giao thông đường bộ vùng quê. Bên cạnh đó là các tuyến đường sẽ được chiếu sáng bằng đèn năng lượng mặt trời theo nguyện vọng của người dân.
Vũ Hương (Theo thanhnien.vn)