Hàng loạt công trình thanh niên đã lưu dấu tại miền núi xã Bình An (H.Bình Sơn, Quảng Ngãi) như: giúp dân khai hoang, xây kè chống sạt lở, xây dựng đường bê tông...
Chỉ thanh niên mới làm nổi
Đưa chúng tôi vào con đường bê tông ở thôn Phúc Lâm (xã Bình An), anh Đỗ Văn Nghị, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã Bình An, nói rằng khi bắt tay vào thực hiện, không ai tin rằng chỉ vài mươi triệu đồng đã làm được đường bê tông dài hơn 300 m, dày 16 cm, rộng 2,5 m như thế này. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, cùng với sự đồng lòng của người dân địa phương, các thanh niên tình nguyện đã làm được con đường bền chắc cho bà con đi lại suốt mấy năm qua.
Theo ông Đỗ Tấn Phúc (62 tuổi, ở thôn Phúc Lâm), con đường này trước đây gây rất nhiều khó khăn cho người dân. Vào mùa mưa là đường lầy lội, đi xe máy phải để số 1, hai chân chống hai bên mới… lết qua được. Người dân còn nghèo, rủ nhau làm đường bê tông nhưng góp vào chỉ được 25 triệu đồng. Bà con hỏi con cháu có nghề xây dựng đều nhận được câu trả lời: Cả trăm triệu đồng chưa chắc đủ. Ai nấy lắc đầu ngao ngán, vì không biết lấy đâu ra tiền để làm đường.
Công trình ngăn nước tưới lúa và hoa màu ở xã Bình An do thanh niên tình nguyện thi công.
Tháng 3.2021, có đội thanh niên tình nguyện về thôn Phúc Lâm. Và rồi xi măng, sạn, cát... được kéo về chất đầy lối đi. Ngày hôm trước đến là hôm sau các bạn trẻ đã mang dụng cụ ra làm đường. Thấy vậy, bà con vui như mở cờ trong dạ, cùng tham gia với các bạn. Chỉ 4 ngày sau, con đường mơ ước của người dân thôn Phúc Lâm đã hoàn thành.
"Gần 4 năm nay, người dân ở đây có con đường khang trang để đi, không còn cảnh bùn lầy mỗi bận mưa về. Rồi nhà cửa cũng sạch sẽ hơn và lòng người dân ở đây cũng vui, mở mày mở mặt với nơi khác", ông Phúc nói.
Khai hoang, hướng dẫn đồng bào trồng lúa
Vượt đèo hơn 10 km, chúng tôi trở lại thôn Thọ An (xã Bình An), tìm tới cánh đồng Cây Si do thanh niên tình nguyện khai hoang. Hồi đó, người viết bài cũng tham gia trong đoàn quân tình nguyện, chứng kiến vùng đất hoang vu, cỏ dại và cây bụi mọc phủ, bên dưới đá sắp lớp, đã trở thành cánh đồng màu mỡ nhờ những bàn tay thanh niên dần chai sần trên cán xẻng, cán cuốc.
Bây giờ, thôn Thọ An có 190 hộ với hơn 700 dân, chủ yếu là đồng bào Kor, sinh sống. Cánh đồng Cây Si mênh mông cây mì và các loại hoa màu xanh ngát. Giữa đồng là ngôi nhà sàn khang trang làm nơi sinh hoạt cộng đồng của đồng bào ở đây. Đến khoảng tháng 11, thanh niên trồng nguyên cánh đồng hoa rực rỡ ở đây để đồng bào vui xuân, đón tết, đồng thời cũng thu hút khách xa gần đến tham quan, check-in...
Theo ông Võ Thanh Quang, Phó chủ tịch UBND xã Bình An, hàng trăm thanh niên tình nguyện Quảng Ngãi đã quyết tâm khai hoang cánh đồng này để đồng bào Kor có đất sản xuất. Thời điểm đó người Kor ở Thọ An vẫn chưa biết làm lúa nước. Vì vậy, sau khi cánh đồng Cây Si khai hoang, thanh niên tình nguyện đã hướng dẫn đồng bào trồng. Thành quả là bây giờ bà con đã thành thạo canh tác lúa nước, đủ gạo ăn quanh năm. Ngoài ra, các thanh niên còn làm bờ kè suối, làm sân khấu sinh hoạt cộng đồng, giúp bà con có chỗ sinh hoạt văn hóa, văn nghệ.
Cũng theo ông Võ Thanh Quang, xã Bình An còn có nhiều dấu ấn khác của thanh niên tình nguyện. Đơn cử như cánh đồng Giữa, do không thoát nước được nên cứ mưa là ngập, gây hư hại lúa của người dân. Trong một chiến dịch thanh niên tình nguyện hè, các bạn trẻ về đóng quân tại trụ sở UBND và Trường THCS xã Bình An, rồi vừa vét mương, vừa đục đá làm kênh tiêu nước dài hơn 400 m. Từ năm đó, cánh đồng Giữa không còn ngập úng nữa.
"Còn rất nhiều việc có ích của thanh niên tình nguyện nữa, như cắt tóc, dọn vệ sinh, sửa nhà và trường học, thi công đường điện thắp sáng đường quê... Ban ngày đi giúp dân, buổi tối các bạn trẻ tổ chức sinh hoạt cộng đồng, kéo thanh thiếu niên địa phương vào cuộc, rất vui, để lại nhiều dấu ấn không phai với người dân Bình An. Các công trình của thanh niên tình nguyện góp phần cho xã Bình An được công nhận là xã nông thôn mới vừa qua", ông Quang nói.
Vũ Hương (Theo thanhnien.vn)