Cùng với chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN), tỉnh đặc biệt quan tâm, lồng ghép các nguồn vốn để củng cố, nâng cấp, cải tạo hệ thống đê điều, thủy lợi, kè cống… Qua đó không chỉ đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dân và Nhà nước trong mùa mưa bão mà còn phát huy hiệu quả công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, phục vụ hiệu quả phát triển KT-XH.
Dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt Vĩnh Phúc cơ bản hoàn thành, góp phần quan trọng trong việc kiểm soát ngập úng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Hiện nay, hệ thống công trình thủy lợi toàn tỉnh có 452 hồ đập; 447 trạm bơm; hơn 6.000 km kênh tưới các loại; 954km kênh tiêu liên huyện, liên xã, phục vụ hơn 40 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp…
Những năm qua, thiên tai, biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng tới sự phát triển KT-XH của tỉnh và đời sống của nhân dân. Để nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các đơn vị liên quan đầu tư xây dựng các dự án: Cải tạo công trình thủy lợi sông Cà Lồ cụt; xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sạt trượt sông Phó Đáy khu vực đền Mẫu và trạm bơm Phú Bình II, xã Sơn Đông (Lập Thạch); cải tạo, nâng cấp 50 trạm bơm các loại có diện tích tưới từ 300ha trở lên...
Qua đó không chỉ giúp giảm thiểu tác động của thiên tai mà còn nâng cao khả năng ứng phó của cộng đồng, đảm bảo ổn định phát triển KT-XH địa phương.
Trước mùa mưa lũ và sau các đợt mưa lớn hằng năm, Chi cục Thủy lợi tỉnh đã chủ động tổ chức đánh giá hiện trạng công trình đê điều, xác định các điểm xung yếu và xây dựng phương án hộ đê. Phối hợp với các ngành, địa phương liên quan đề xuất phương án phòng tránh, xử lý, khắc phục hậu quả sự cố đê điều, nhất là trong mùa mưa bão. Tổ chức cảnh báo khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, ngập lụt và đề xuất phương án phòng tránh, xử lý, khắc phục hậu quả các sự cố.
Năm 2024, Chi cục đã tiếp nhận và phối hợp lắp đặt 10 trạm đo mưa tự động do Quỹ Cộng đồng phòng, chống thiên tai tài trợ. Đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền, tập huấn pháp luật về công tác phòng, chống thiên tai, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ hệ thống đê điều cho cán bộ và nhân dân 3 xã ven đê gồm Đức Bác (Sông Lô); Kim Xá, Lý Nhân (Vĩnh Tường); hướng dẫn UBND các huyện có đê xây dựng và phê duyệt 8 phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu.
Trạm bơm Nguyệt Đức - Yên Phương (Yên Lạc) kiểm soát tình trạng ngập úng, quản lý tốt nguồn nước, ổn định sản xuất và đời sống cho hàng nghìn người dân. Ảnh: Nguyễn Lượng
Bão số 3 (Yagi) và hoàn lưu bão trong năm đã gây ra đợt mưa lớn, kéo dài liên tục khiến các tuyến đê trên địa bàn tỉnh chịu tác động không nhỏ, dòng chảy dâng cao nhất trong vòng 30 năm trở lại đây.
Trước thực tế đó, Chi cục đã hướng dẫn chính quyền các địa phương xây dựng và phê duyệt 2 phương án bảo vệ trọng điểm đê điều xung yếu; hướng dẫn xử lý kịp thời 22 sự cố đê điều ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn hệ thống đê điều của tỉnh.
Ngay sau khi bão đi qua, Chi cục tham mưu Sở NN&PTNT tổ chức kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình đê điều, trình UBND tỉnh ban hành quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai và Lệnh xây dựng công trình khẩn cấp xử lý sự cố sạt lở bờ sông Lô, đoạn từ K0+650 - K0+850 thuộc địa phận xã Bạch Lưu (Sông Lô).
Đồng thời đề xuất UBND tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cho Vĩnh Phúc 159 tỷ đồng để sửa chữa, khắc phục ngay các công trình đê điều bị hư hỏng sau mưa bão.
Từng bước nâng cao khả năng ứng phó, phục hồi trước, trong và sau thiên tai, Chi cục Thủy lợi tiếp tục đề xuất UBND tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí để cải tạo, nâng cấp, xây mới các công trình phòng, chống thiên tai, góp phần đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Ngọc Lan