Từ ngày 1/1/2025, việc phân loại rác tại nguồn trở thành yêu cầu bắt buộc theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Nhà nước có chế tài xử phạt lên đến 1 triệu đồng đối với hộ, cá nhân không chấp hành quy định này. Tuy nhiên, để chính sách pháp luật đi vào thực tế còn rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định, từ ngày 1/1/2025, chất thải rắn sinh hoạt sẽ được phân loại tại nguồn (tại từng gia đình), sau đó được thu gom, tập kết, vận chuyển.
Người dân thôn Thụ Ích 2, xã Liên Châu (Yên Lạc) dần hình thành thói quen phân loại rác tại nguồn. Ảnh: Trường Khanh
Theo đó, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ gia đình, cá nhân phải được phân thành 3 loại: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn khác.
Đáng chú ý, tại khoản 2 Điều 77 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ dân, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt, mức xử phạt có thể lên tới 1 triệu đồng theo quy định tại Điều 26 Nghị định số 45 năm 2022 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Vì vậy, việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt không chỉ là ý thức mà còn là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và gia đình.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù chỉ còn rất ít thời gian đến ngày thi hành Luật Bảo vệ môi trường nhưng nhiều người dân vẫn rất mơ hồ về việc phân loại rác tại nguồn, nhất là việc xử phạt. Nhiều đơn vị thu gom rác ở các địa phương vẫn chưa có đầy đủ trang thiết bị phục vụ việc thu gom rác đã phân loại.
Bà Vũ Thị Ninh, xã Văn Tiến (Yên Lạc) chia sẻ: “Tôi được tuyên truyền về việc phân loại rác sinh hoạt và cũng đang hình thành ý thức đó cho gia đình. Biết đến quy định xử phạt sắp tới qua các phương tiện truyền thông nên tôi càng ý thức việc phân loại rác thải. Tuy nhiên, qua quan sát tôi thấy dù gia đình có phân loại thì rác vẫn được thu gom, vận chuyển chung; nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì việc phân loại rác từ các hộ không còn ý nghĩa nữa”.
Chị Bùi Thị Bính, xã Trung Mỹ (Bình Xuyên) cho biết: “Việc phân loại rác tại nguồn được tuyên truyền, quán triệt từ chi bộ đến các hội nghị ở thôn dân cư. Ý thức người dân cũng được nâng cao hơn nhưng nhiều người dân như tôi chưa hiểu việc phân loại rác của mình đã đúng chưa và ai là người theo dõi, xử phạt những trường hợp vi phạm nếu không thực hiện đúng quy định".
Phân loại rác tại nguồn không chỉ bảo vệ môi trường mà còn đem lại lợi ích về kinh tế. Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, trung bình mỗi ngày toàn tỉnh có gần 1.000 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Tỷ lệ thu gom, xử lý ở khu vực đô thị đạt khoảng 95%, ở khu vực nông thôn đạt gần 80%.
Để đưa quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và các chính sách pháp luật liên quan vào thực tế, các địa phương căn cứ tình hình thực tế triển khai kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm phân loại và xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn phù hợp. Các hội, đoàn thể trong toàn tỉnh tích cực đẩy mạnh phong trào bảo vệ môi trường với nhiều mô hình, sáng kiến hiệu quả. UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 62 ngày 7/3/2024 về thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn.
Các hộ dân tại Làng văn hóa kiểu mẫu Vân Nam, xã Vân Trục (Lập Thạch) được hỗ trợ mua thùng rác, nâng cao hiệu quả phân loại, xử lý rác thải tại nguồn. Ảnh: Trường Khanh
Theo đó, tỉnh thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác thải tại nguồn ở 2 huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc và các làng văn hóa kiểu mẫu. Qua đó góp phần đáng kể vào việc giảm lượng rác thải sinh hoạt, thay đổi nhận thức, thói quen của người dân trong công tác thu gom, xử lý rác thải.
Tuy nhiên, để đưa chính sách pháp luật về xử phạt hành vi không phân loại rác tại nguồn vào cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện.
Đồng chí Vũ Xuân Bắc, Chủ tịch UBND xã Đại Tự (Yên Lạc) chia sẻ: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và triển khai đồng bộ nên phần lớn người dân trên địa bàn đã có ý thức phân loại rác.
Tuy nhiên, câu chuyện xử phạt hành chính với hành vi không phân loại rác tại nguồn phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như ai giám sát hành vi này của người dân, ai xử phạt và phương tiện giám sát là gì… Trong khi lực lượng cán bộ ở xã, thôn mỏng nên bên cạnh việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong bảo vệ môi trường, cụ thể là việc phân loại rác thải tại nguồn thì cũng cần có lộ trình phù hợp và hướng dẫn chi tiết hơn….
Bên cạnh đó, các dự án xây dựng nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt triển khai ở một số địa phương như Lập Thạch, Tam Dương và Yên Lạc gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới tiến độ trong thu gom, xử lý rác thải phân loại.
Vì vậy, để quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường thực sự đi vào cuộc sống, các địa phương đang khẩn trương tháo gỡ khó khăn, thực hiện hiệu quả việc phân loại rác tại nguồn, góp phần bảo vệ môi trường sống xanh, sạch, đẹp và bền vững.
Bình Duyên