Năm 2024, tỉnh không chỉ vượt kế hoạch về thu hút vốn FDI mà còn nằm trong top 10 địa phương trên cả nước hấp dẫn doanh nghiệp lớn. Điều này tạo động lực để tỉnh tiếp tục cải thiện, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp có công nghệ cao, năng lực tài chính lớn, đưa tỉnh ngày càng phát triển, sẵn sàng cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh phối hợp với các ngân hàng thương mại thường xuyên tổ chức các hội nghị kết nối khách hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: Chu Kiều
Triển khai Nghị quyết số 02 ngày 5/1/2024 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024, UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 36, giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, địa phương, đơn vị nhằm mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh.
Tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư, năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành rà soát các bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước và có văn bản báo cáo cơ quan Trung ương theo thẩm quyền, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử như trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tỉnh đã đề nghị Chính phủ điều chỉnh hoặc thay thế Nghị định số 96 ngày 30/6/2018 quy định chi tiết về giá sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; sửa đổi, thay thế Nghị định số 57 về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó chú trọng vào nội dung khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung nhằm tăng tỷ lệ sử dụng nước sạch của người dân, giúp sớm hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới tại các địa phương;...
Thường xuyên đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tập trung đơn giản hóa, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, tăng cường các dịch vụ công trực tuyến.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/1/2022 tại địa chỉ Dichvucong.vinhphuc.gov.vn; đến nay, đã kết nối 1.217 dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công Quốc gia bao gồm 701 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 516 dịch vụ trực tuyến một phần.
Nhằm tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên địa bàn nghiêm túc thực hiện quy định về lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chủ động tiết giảm chi phí hoạt động để có điều kiện giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh; thực hiện công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng.
Lãi suất huy động tăng trong khi lãi suất cho vay tiếp tục giảm. Đến thời điểm hiện tại, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức 3,8%/năm (tăng 2,08% so với cuối năm 2023) và lãi suất cho vay mới bình quân là 6,35%/năm (giảm 0,74% so với cuối năm 2023).
Các ngân hàng thương mại sẵn sàng thu hẹp chênh lệch đầu vào, đầu ra, giảm lợi nhuận để tiếp tục đồng hành cùng khách hàng. Lãi suất cho vay bình quân đối với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường từ 6 - 6,5%/năm đối với ngắn hạn; 9 - 10,5%/năm đối với trung và dài hạn.
Vietinbank Chi nhánh Vĩnh Phúc hỗ trợ khách hàng doanh nghiệp tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi nhằm thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Chu Kiều
Hết năm 2024, ngành Ngân hàng cho vay đối với 3.350 doanh nghiệp, dư nợ ước đạt 59 nghìn tỷ đồng, tăng 1,12% về số lượng doanh nghiệp và tăng 11,34% về số dư nợ so với năm 2023. Trong đó, dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đạt 1.000 tỷ đồng, tăng 31,58% so với cuối năm 2023; dư nợ cho vay doanh nghiệp tư nhân, công ty cổ phần, công ty TNHH 52.800 tỷ đồng, tăng 9,48%; dư nợ cho vay doanh nghiệp FDI 5.200 tỷ đồng, tăng 29,81%.
Đặc biệt, số lượng DNNVV vay vốn tại các tổ chức tín dụng khoảng 3.000 khách hàng, dư nợ đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ lệ 50,85% dư nợ cho vay doanh nghiệp.
Các ngành chức năng còn chú trọng hỗ trợ giải pháp tư vấn, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp với các nội dung tái cấu trúc doanh nghiệp, tài chính, nhân sự, thị trường, quản trị rủi ro, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tham gia chuỗi giá trị bền vững, tìm kiếm, mở rộng kênh bán hàng, phân phối… đem lại tác động tích cực, giúp các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ.
Môi trường kinh doanh được cải thiện, số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trên địa bàn tỉnh năm 2024 ước đạt 1.550 doanh nghiệp, tăng 1,8% so với năm 2023 với tổng số vốn đăng ký khoảng 13 nghìn tỷ đồng.
Kết quả thu hút vốn FDI của tỉnh vượt mục tiêu đề ra. Ước trong năm 2024, tỉnh thu hút đầu tư vốn FDI đạt 600 triệu USD, tăng 50% so với kế hoạch và tương đương so với năm 2023; thu hút vốn đầu tư DDI ước đạt 5.500 tỷ đồng, đạt kế hoạch đề ra và bằng 25% so với năm 2023.
Lưu Nhung