Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo và Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GDĐT, những năm qua, Vĩnh Phúc luôn chú trọng nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh trong các trường phổ thông và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Học sinh Trường THCS Hợp Châu, huyện Tam Đảo trong giờ học tiếng Anh. Ảnh: Dương Chung
Để nâng cao chất lượng dạy tiếng Anh, tỉnh đã quan tâm đầu tư và chỉ đạo ngành GDĐT thực hiện tốt Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020 của Bộ GDĐT, đồng thời, ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, đề án về dạy học ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh theo từng giai đoạn.
Theo đó, các trường được tỉnh và huyện đầu tư cơ sở vật chất để triển khai thực hiện dạy chương trình tiếng Anh. Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã xây dựng phòng Lab, phòng đa năng (Muti-media), đầu tư các thiết bị như hệ thống máy tính kết nối internet, hệ thống màn hình chung và hệ thống loa, máy chiếu, tivi… cho nhiều trường học. Hiện tỉnh đang thực hiện kế hoạch đầu tư hệ thống cơ sở vật chất mới cho các trường phục vụ dạy tiếng Anh theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới (GDPT 2018).
Cùng với cơ sở vật chất, Vĩnh Phúc đặc biệt chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên môn tiếng Anh. Hằng năm, ngành Giáo dục tỉnh chọn cử hàng trăm lượt giáo viên môn tiếng Anh ở các trường tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên tại các cơ sở giáo dục uy tín trong và ngoài nước; bồi dưỡng năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế IELTS, bồi dưỡng phương pháp dạy học tiếng Anh tiếp cận chuẩn quốc tế; tham gia hội thảo ngoại ngữ…
Sở GDĐT phối hợp với nhiều trường đại học uy tín trong nước tổ chức các lớp bồi dưỡng năng lực tiếng Anh và tiếng Anh chuyên ngành cho giáo viên các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh để đáp ứng yêu cầu triển khai dạy thí điểm song ngữ ở một số trường THCS và THPT… Qua đó, giúp đội ngũ giáo viên tiếng Anh được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tiếp cận phương pháp giảng dạy tiên tiến, chuẩn quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh còn ban hành nhiều cơ chế, chính sách nâng cao chất lượng dạy ngoại ngữ như mời giáo viên người nước ngoài được tuyển chọn đảm bảo chất lượng với phương pháp giảng dạy tiên tiến, tác phong chuyên nghiệp về giảng dạy tiếng Anh tại nhiều trường THPT nhằm tạo môi trường giao tiếp, phát triển kỹ năng nghe, nói cho học sinh; tạo thuận lợi cho các trung tâm ngoại ngữ có uy tín trên địa bàn tỉnh hoạt động; thúc đẩy hỗ trợ các trường liên kết quốc tế trong dạy học tiếng Anh; hỗ trợ lệ phí cho giáo viên và học sinh dự thi đạt chứng chỉ tiếng Anh theo chuẩn tiếng Anh quốc tế…
Trên cơ sở những thuận lợi đó, ngành GDĐT tỉnh đẩy mạnh triển khai giảng dạy tiếng Anh tại các trường phổ thông; trong đó, 100% học sinh từ lớp 3-12 được học tiếng Anh chính khóa, chuyên đề; các hoạt động ngoại khóa về tiếng Anh được đẩy mạnh như thi hùng biện tiếng Anh, thi Olympic tiếng Anh, phát triển CLB tiếng Anh tạo môi trường giao tiếp tiếng Anh trong các trường phổ thông…
Cùng với đó, nhiều trường phối hợp với phụ huynh học sinh tổ chức dạy tiếng Anh từ nguồn xã hội hóa cho học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 6, lớp 7; một số trường tổ chức thí điểm dạy học song ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh)…
Thành phố Vĩnh Yên là điểm sáng khối Phòng GDĐT của tỉnh trong dạy học ngoại ngữ, đã triển khai đồng loạt dạy học tiếng Anh cho học sinh lớp 1, lớp 2 theo hình thức xã hội hóa; 100% trường THCS tổ chức cho học sinh lớp 6, lớp 7 học tiếng Anh tăng cường theo hình thức dạy trực tiếp kết hợp trực tuyến...
Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc đẩy mạnh dạy học song ngữ ở các môn học; thường xuyên tổ chức các chương trình hội thảo về tiếng Anh; phát huy hiệu quả của CLB tiếng Anh; tăng cường liên kết quốc tế trong dạy học ngoại ngữ, trong đó, việc trở thành đối tác của Hội đồng Anh trong việc tổ chức thi IELTS đã tạo thuận lợi cho học sinh trong việc tiếp cận và dự thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế…
Đối với học sinh, các em ngày càng ý thức, tự giác và chủ động trong việc học tiếng Anh nhằm chuẩn bị cho mình hành trang để trở thành "Công dân toàn cầu" trong xu hướng hội nhập quốc tế. Em Lê Hà Trang, học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Vĩnh Phúc chia sẻ: “Trong bối cảnh hội nhập và quốc tế hóa đòi hỏi cao về khả năng tiếng Anh, vì vậy, em đã nỗ lực học tập tiếng Anh từ bậc tiểu học. Năm trước em đã đạt chứng chỉ IELTS 7.5 khi đang là học sinh lớp 11. Đây là thuận lợi để em xét tuyển trường đại học đầu cao hoặc săn học bổng du học”.
Với sự nỗ lực của toàn ngành, kết quả chất lượng môn tiếng Anh của tỉnh ngày càng được nâng cao. Qua kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh đầu ra cho học sinh lớp 5, lớp 9 năm 2022, hơn 66% học sinh lớp 5 và gần 37% học sinh lớp 9 đạt từ điểm 5 trở lên.
Điểm bình quân bài thi môn tiếng Anh tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT của học sinh Vĩnh Phúc tăng mạnh, đến năm 2018 điểm bình quân môn tiếng Anh thi tốt nghiệp THPT đạt cao hơn điểm bình quân môn tiếng Anh của cả nước; năm 2021, đạt 6,266 điểm (lần đầu tiên vượt 5 điểm), đứng vị trí top 10 cả nước; năm 2022, đứng thứ 7 cả nước và điểm trung bình thi đại học Khối D (Toán, Văn, Anh) đạt 20,93 điểm, xếp hạng cao nhất cả nước.
Tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn tiếng Anh có thành tích cao, đã có 3 giải Nhất cấp quốc gia môn tiếng Anh trong những năm gần đây. Số học sinh dự thi và đạt kết quả đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn quốc tế IELTS, TOEFL, Cambridge… tăng theo từng năm.
Thời gian tới, Vĩnh Phúc tập trung đầu tư trang thiết bị dạy học tiếng Anh theo hướng hiện đại, tiên tiến và tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên tiếng Anh đáp ứng dạy học theo chương trình GDPT mới; đẩy mạnh liên kết quốc tế và xã hội hóa trong dạy học tiếng Anh; thực hiện hiệu quả đánh giá năng lực tiếng Anh theo chuẩn đầu ra môn tiếng Anh tại các cấp học… từ đó, tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh trong các trường phổ thông, góp phần đưa ngành GDĐT tỉnh hội nhập quốc tế.
Minh Hường