Trong bối cảnh chuyển đổi số sâu rộng, việc nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho cán bộ, công chức, viên chức và mỗi người dân được tỉnh xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm đổi mới phương thức làm việc, nâng cao năng suất lao động, hiệu quả công việc, đem lại những tiện ích thiết thực và các giá trị vượt trội, tạo động lực cho sự phát triển bền vững.

Dự án “AI - No Vape Life” của nhóm học sinh Trường THCS Định Trung (Vĩnh Yên) giành giải Nhất tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII, năm 2025. Ảnh: Trà Hương
AI mang lại những tiện ích thiết thực
Trước yêu cầu về tiến độ và chất lượng công việc ngày càng cao, đồng chí Dương Văn Hà, Phó Chủ tịch HĐND phường Tích Sơn (Vĩnh Yên) đã chủ động tìm hiểu và từng bước ứng dụng AI vào công việc.
Chia sẻ về những hiệu quả thiết thực khi ứng dụng AI, đồng chí Dương Văn Hà cho biết: "Tôi đang sử dụng hiệu quả một số ứng dụng AI như ChatGPT, Gemini, Grok3.
Trước đây, việc thu thập thông tin phục vụ cho công tác giám sát, xây dựng nghị quyết hay tổng hợp ý kiến cử tri thường mất nhiều thời gian, phải thông qua nhiều khâu thủ công. Giờ đây với sự hỗ trợ của các công cụ AI, tôi có thể nhanh chóng tìm kiếm, tra cứu và tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau.
Đơn cử như trong việc chuẩn bị nội dung cho một kỳ họp HĐND, tôi có thể sử dụng AI để phân tích nhanh những phản ánh nổi bật của cử tri thời gian gần đây, từ đó xác định những nội dung cần ưu tiên đưa vào chương trình giám sát hoặc chất vấn.
Không chỉ vậy, AI còn hỗ trợ so sánh dữ liệu giữa các năm để nhận diện xu hướng, đánh giá hiệu quả triển khai các nghị quyết của HĐND; hỗ trợ soạn thảo văn bản, báo cáo và xây dựng nội dung nghị quyết một cách khoa học, hiệu quả.
Ngoài ra, tôi đã thử nghiệm sử dụng các công cụ AI để tóm tắt nội dung nghị quyết, tạo video ngắn hoặc infographics đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội của phường và đem lại hiệu ứng tích cực, giúp nâng cao hiệu quả truyền thông nghị quyết”.
Nhằm đổi mới phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh, Trường THCS Định Trung (Vĩnh Yên) luôn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, trong đó có việc tăng cường ứng dụng AI.
Thực tế cho thấy, ứng dụng AI không chỉ giúp giáo viên nâng cao hiệu quả giảng dạy mà còn tạo ra môi trường học tập hiện đại, sáng tạo cho học sinh. Bên cạnh hỗ trợ giáo viên trong việc xây dựng các bài giảng sinh động, ứng dụng AI góp phần hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập, giúp học sinh phát triển tư duy, cách giải quyết vấn đề, khích lệ tinh thần đổi mới, sáng tạo.
Vừa qua, trên cơ sở ứng dụng AI và công nghệ thực tế tăng cường (AR), dự án “AI - No Vape Life” (Dự án Xây dựng kênh giáo dục cộng đồng nói không với thuốc lá điện tử) do các em học sinh của Trường THCS Định Trung đã xuất sắc vượt qua hơn 700 ý tưởng trên cả nước để giành giải Nhất Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp lần thứ VII - năm 2025.
Cô giáo Nguyễn Cẩm Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Định Trung cho biết: “Ứng dụng “AI - No Vape Life” tích hợp nhiều tính năng giúp mô phỏng sinh động hậu quả thực tế tác hại của thuốc lá điện tử đến cơ thể con người; cá nhân hóa nội dung học tập dựa vào độ tuổi, thói quen và tâm lý người dùng, giúp tăng hiệu quả nhận thức.
Ngoài ra, ứng dụng có các trò chơi tương tác và phần thưởng giúp học sinh vừa chơi vừa học, không tạo cảm giác bị áp đặt; đưa ra lời khuyên dựa trên dữ liệu người dùng, nâng cao tính chân thực và cá nhân hóa trải nghiệm… Qua đó giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá điện tử”.

Hội nghị "Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh”. Ảnh: Trà Hương
Đưa AI vào cuộc sống
Thực hiện Nghị quyết số 57, ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, tỉnh đã đề ra những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trong đó, AI được xác định là công cụ quan trọng, cần được ứng dụng rộng rãi nhằm tạo sự thay đổi căn bản và toàn diện trong cách thức chỉ đạo, điều hành của bộ máy hành chính Nhà nước; giúp vận hành nhanh chóng, hiệu quả, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.
Với quyết tâm nâng cao hiệu quả ứng dụng AI, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị “Thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh”.
Tham gia hội nghị giúp cán bộ, công chức, viên chức hiểu rõ hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của AI trong công cuộc đổi mới và chuyển đổi số hiện nay; nâng cao kiến thức, kinh nghiệm ứng dụng AI vào thực tiễn công việc chuyên môn.
Đồng chí Mai Đức Chuyền, Phó Chủ tịch UBND phường Tích Sơn cho biết: “Trước đây tôi có cài đặt một số ứng dụng AI nhưng do chưa nắm vững cách thức sử dụng nên hiệu quả chưa cao. Qua hội nghị tập huấn, tôi hiểu rõ hơn về tiềm năng cũng như cách thức ứng dụng AI trong quản lý và điều hành công việc, đặc biệt là trong công tác giải quyết thủ tục hành chính nhằm phục vụ người dân tốt hơn”.
Ứng dụng hiệu quả AI sẽ tạo ra sự thay đổi căn bản và toàn diện trong cách thức chỉ đạo, điều hành và quản lý của các cấp ủy, chính quyền; tạo động lực thúc đẩy đổi mới, sáng tạo trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sống của người dân.
Để từng bước đưa AI vào cuộc sống, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ý nghĩa của việc ứng dụng AI; chú trọng tập huấn, bồi dưỡng, đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số” nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng ứng dụng AI cho cán bộ, công chức, viên chức và toàn dân.
Đồng thời, tăng cường ứng dụng AI trong cải cách thủ tục hành chính nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, xây dựng nền hành chính hiện đại; nâng cấp hạ tầng số, phát triển dữ liệu số gắn với tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng…
Lê Mơ