Thực hiện đợt cao điểm, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm (ATTP) năm 2025 diễn ra từ ngày 15/4 - 15/5 với chủ đề “Bảo đảm ATTP, trong đó chú trọng ATTP bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố”, các cấp, ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ các biện pháp công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về ATTP; tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Quy trình chế biến thực phẩm tại bếp ăn bán trú Trường mầm non Hội Hợp B (Vĩnh Yên) được giám sát chặt chẽ. Ảnh: Dương Chung
Xác định việc đảm bảo ATTP là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Tháng hành động vì ATTP năm 2025 tập trung kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm vào các mặt hàng thực phẩm có nguy cơ cao; các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố; cơ sở cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể tại khu công nghiệp, trường học, bệnh viện...
Các đoàn kiểm tra liên ngành từ tỉnh đến cơ sở sẽ thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau Tháng hành động. Trong đó, chú trọng kiểm tra điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, ghi nhãn hàng hóa, bảo quản thực phẩm; kiên quyết xử lý cơ sở không bảo đảm điều kiện hoạt động.
Theo thống kê của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP tỉnh, năm 2024, ngành Y tế và UBND các huyện, thành phố đã kiểm tra, giám sát được hơn 3.700 lượt cơ sở, trong đó, có gần 3.400 cơ sở đạt yêu cầu (chiếm hơn 91%); 332 cơ sở còn một số lỗi chưa đạt yêu cầu; 172 cơ sở bị nhắc nhở; 2 cơ sở bị phạt hơn 41 triệu đồng.
Ngành Nông nghiệp đã tổ chức kiểm tra liên ngành, chuyên ngành và hậu kiểm về ATTP đối với 260 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản; xử phạt vi phạm hành chính về ATTP đối với 6 doanh nghiệp, cơ sở với tổng số tiền hơn 27 triệu đồng; lấy 70 mẫu thực phẩm hậu kiểm các chỉ tiêu ATTP theo hồ sơ tự công bố, kết quả 70/70 mẫu đảm bảo quy định; lấy 9 mẫu thực phẩm kiểm tra chất lượng ATTP trong các đợt kiểm tra liên ngành về ATTP.
Kết quả kiểm tra 9/9 mẫu đảm bảo quy định; lấy hơn 1.600 mẫu phân tích định lượng, phân tích các chỉ tiêu ATTP, trong đó có 7 mẫu giò, chả không đảm bảo quy định, có chỉ tiêu vi sinh vật (E.Coli) và dư lượng phụ gia gốc phosphat vượt quá giới hạn cho phép; lấy hơn 1.900 mẫu kiểm tra nhanh (test) (900 mẫu giò, chả kiểm tra nhanh hàn the; 810 mẫu rau củ quả kiểm tra nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực và 100 mẫu dưa muối kiểm tra dư lượng salisilic, 100 mẫu hải sản sống kiểm tra Foocmon, Ure cho kết quả 100% mẫu âm tính.
Ngành Công thương đã kiểm tra hơn 750 vụ, xử lý vi phạm hành chính 43 vụ với tổng giá trị hàng hóa vi phạm gần 535 triệu đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 438 triệu đồng; chuyển 5 vụ sản xuất hàng hóa là thực phẩm có dấu hiệu tội phạm hình sự sang cơ quan cảnh sát điều tra.
Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 320 vụ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ATTP; xử phạt vi phạm hành chính 317 vụ với tổng số tiền phạt hơn 943 triệu đồng, buộc tiêu hủy hơn 12.800 kg bao gồm động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không đảm bảo vệ sinh thú y, ATTP và 30 kg dược liệu; buộc kiểm dịch lại 2.150 kg động vật không có giấy kiểm dịch thú y theo quy định; khởi tố 3 vụ với 4 bị can có liên quan đến ATTP.
Bên cạnh công tác kiểm tra, các đơn vị, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về ATTP thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, hội nghị, hội thảo, phát tờ rơi, treo băng rôn, pano cổ động… giúp người dân nâng cao nhận thức, hình thành thói quen tiêu dùng thực phẩm an toàn.
Tuy nhiên, công tác bảo đảm ATTP vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Số lượng cơ sở nhỏ lẻ, hoạt động không phép, không có giấy chứng nhận vệ sinh ATTP còn phổ biến. Nguồn lực kiểm tra còn mỏng, trang thiết bị kiểm nghiệm còn thiếu, lạc hậu khiến việc giám sát chưa thực sự đồng bộ.
Nhận thức của một bộ phận người sản xuất, kinh doanh còn thấp, sẵn sàng sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, hóa chất cấm để gia tăng lợi nhuận. Một số người tiêu dùng còn chủ quan, thiếu kỹ năng nhận biết thực phẩm an toàn, dễ bị đánh lừa bởi giá thành rẻ hoặc hình thức bắt mắt. Đây chính là kẽ hở khiến thực phẩm không an toàn vẫn còn tồn tại và lưu hành.
Tháng hành động vì ATTP năm 2025 không chỉ là đợt kiểm tra cao điểm, mà còn là cơ hội để toàn xã hội cùng hành động nhằm xây dựng môi trường thực phẩm an toàn, bền vững. Sự tham gia tích cực của chính quyền các cấp, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và từng cá nhân là điều kiện tiên quyết để tạo chuyển biến trong nhận thức và hành động.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế pháp luật, nâng cao hiệu lực quản lý, tăng cường hậu kiểm, khuyến khích mô hình sản xuất sạch, đầu tư công nghệ chế biến hiện đại.
Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát và truy xuất nguồn gốc thực phẩm, góp phần nâng cao tính minh bạch trong chuỗi cung ứng, giúp người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm an toàn, đồng thời hỗ trợ cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, xử lý khi xảy ra sự cố.
ATTP là vấn đề liên quan trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của mỗi người dân. Việc đảm bảo thực phẩm sạch không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng, mà còn cần đến lương tâm của người sản xuất, sự tử tế trong kinh doanh và sự lựa chọn thông minh của người tiêu dùng. Khi tất cả cùng chung tay hành động, thực phẩm an toàn sẽ không còn là khẩu hiệu mà sẽ hiện hữu trong từng bữa ăn hằng ngày của mỗi gia đình.
Minh Nguyệt