Kêu gọi ủng hộ từ thiện trên mạng xã hội là một trong những hình thức hiệu quả, nhanh chóng tạo được sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Tuy nhiên, bên cạnh những tổ chức, cá nhân kêu gọi từ thiện minh bạch, rõ ràng và đã giúp đỡ được rất nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn thì hiện nay xuất hiện một số đối tượng lập ra các website, fanpage giả mạo các cơ quan, tổ chức uy tín để lừa đảo, kêu gọi quyên góp từ thiện, trục lợi trên sự quan tâm, chia sẻ và tấm lòng hảo tâm của người dân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh vừa có văn bản gửi các cơ quan, đơn vị có liên quan, đề nghị phối hợp xử lý hành vi giả mạo bệnh viện, cung cấp số tài khoản ngân hàng nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua việc kêu gọi từ thiện.
Đối tượng lập một trang Facebook giống trang Facebook của Bệnh viện Đa khoa tỉnh từ tên gọi, thông tin giới thiệu, hình ảnh trang chủ, logo và đăng tải nhiều hoạt động của bệnh viện.
Trong các bài viết, nội dung lần gần nhất trang giả mạo đăng tải thông tin, hình ảnh người bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và cung cấp các số tài khoản ngân hàng nhằm kêu gọi quyên góp ủng hộ.
Các thông tin về nạn nhân được đề cập trong bài rất chung chung, tạo bối cảnh khó khăn để khơi gợi lòng thương cảm của người đọc và đã nhận được hàng nghìn lượt like, chia sẻ, bình luận của cộng đồng mạng.

Cán bộ Phòng Công tác xã hội Bệnh viện Đa khoa tỉnh đăng thông báo cảnh báo lừa đảo trên fanpape chính thức của bệnh viện. Ảnh: Trà Hương
Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nguyễn Thị Thu Hương cho biết: “Đây là vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của đơn vị.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đăng thông báo cảnh báo lừa đảo trên fanpape chính thức của bệnh viện và thông tin rộng rãi để người dân không thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản trên trang giả mạo.
Đồng thời, có văn bản đề nghị các cơ quan, đơn vị, ngành chức năng quan tâm, phối hợp xử lý và đẩy mạnh tuyên truyền đến người dân để cảnh giác với hành vi lừa đảo.
Từ trước tới nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh chưa từng kêu gọi ủng hộ từ thiện qua trang fanpape và không cung cấp số tài khoản trên fanpape để nhận tiền ủng hộ. Để hỗ trợ bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện triển khai hiệu quả công tác xã hội, kết nối các mạnh thường quân, nhà hảo tâm với bệnh nhân.
Khi các đơn vị, nhà hảo tâm muốn hỗ trợ, tặng quà cho bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện sẽ là cầu nối để trao tận tay tới người bệnh. Do đó, các đơn vị, cá nhân hảo tâm muốn hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì liên hệ với tổng đài của bệnh viện 1800969626 hoặc tới trực tiếp Phòng Công tác xã hội của bệnh viện để được hướng dẫn”.
Tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, liên tục xuất hiện nhiều thủ đoạn mới, tinh vi, trong đó có hình thức lừa đảo từ thiện.
Lợi dụng sự quan tâm, chia sẻ và tấm lòng hảo tâm của nhiều người dân, một số đối tượng đã đăng các bài kêu gọi ủng hộ, lấy hình ảnh của người bệnh, người có hoàn cảnh khó khăn hoặc đưa ra các thông tin không có thật để mọi người chuyển tiền ủng hộ hòng trục lợi.
Để tạo dựng lòng tin, các đối tượng thường lập ra các website và fanpage giả mạo những đơn vị, cơ quan, tổ chức uy tín hoặc đặt tên gần giống gây nhầm lẫn. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng tới uy tín của các đơn vị vận động từ thiện chân chính mà còn làm mất niềm tin của xã hội, mất đi cơ hội được giúp đỡ của những mảnh đời bất hạnh thật sự.
Nhiều người dân vì không cảnh giác đã chuyển tiền ủng hộ theo thông tin từ các trang này hoặc chia sẻ các bài viết, thông tin giả, vô tình tiếp tay cho đối tượng xấu.
Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác trước các thủ đoạn kêu gọi từ thiện hoặc đưa thông tin những hoàn cảnh gia đình khó khăn trên mạng xã hội để lừa đảo.
Để hoạt động từ thiện đúng mục đích, lòng tốt được đặt đúng chỗ, người dân không nên quyên góp ủng hộ từ thiện khi chưa xác minh thông tin, có chính xác hay không, tổ chức kêu gọi có uy tín không; cần đọc kỹ toàn bộ bài viết, thận trọng tìm hiểu, kiểm chứng kỹ các thông tin đăng tải kêu gọi ủng hộ từ thiện trên các trang mạng xã hội, kiểm tra nguồn tin, tác giả và hình ảnh đính kèm; xem thông tin trên báo chí chính thống, cổng thông tin điện tử của cơ quan chức năng hoặc các website uy tín.
Đặc biệt, cần nâng cao cảnh giác trước các nội dung được đăng tải gây hoang mang trong dư luận, không vội chia sẻ chỉ vì tiêu đề giật gân hoặc nội dung gây xúc động, những bài viết không có nguồn gốc rõ ràng hoặc những bài đăng có nội dung kích động dư luận, cường điệu sự việc để thu hút lượt tương tác.
Người dân, các tổ chức, cá nhân hảo tâm nên lựa chọn các quỹ, chương trình thiện nguyện do Nhà nước, đoàn thể, quỹ xã hội được cấp phép đứng ra tổ chức. Trường hợp nghi ngờ lừa đảo, người dân cần báo cho cơ quan Công an gần nhất để kịp thời xử lý; đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin cảnh báo rộng rãi để mọi người cùng nêu cao tinh thần cảnh giác…
Lê Mơ