Với lợi thế cảnh quan thiên nhiên đặc sắc, khí hậu mát mẻ quanh năm, cùng giá trị văn hóa lâu đời, Tam Đảo đã khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế. Khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử và môi trường sinh thái đã và đang giúp Tam Đảo trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện trong lòng du khách.
Trên cơ sở định hướng và chỉ đạo của tỉnh cũng như đánh giá điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, huyện Tam Đảo đã chủ động triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm phát huy lợi thế phát triển du lịch.
Trong đó, trọng tâm là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ; phát triển sản phẩm du lịch mới; khuyến khích sự sáng tạo, linh hoạt từ các doanh nghiệp du lịch địa phương; đồng thời đảm bảo môi trường, an ninh trật tự và chất lượng phục vụ ngày càng chuyên nghiệp, văn minh.
Không dừng lại ở việc khai thác tài nguyên sẵn có, Tam Đảo còn tập trung xây dựng nền tảng vững chắc cho phát triển du lịch bền vững thông qua các nghị quyết, đề án quan trọng như Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Sán Dìu giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển du lịch huyện Tam Đảo đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Xây dựng con người Tam Đảo văn minh, thân thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững…
Cùng với bảo tồn văn hóa, Tam Đảo quan tâm đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Tam Đảo núi - điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Dương Chung
Năm 2023, Tam Đảo được tỉnh, huyện trích 27 tỷ đồng từ ngân sách đầu tư cho các công trình phục vụ phát triển du lịch như Dự án đường nối cầu Đồng Dầu qua suối Đùm, xã Đồng Tĩnh (Tam Dương) với tuyến đường Hợp Châu - Đồng Tĩnh đến Khu danh thắng Tây Thiên; cải tạo, nâng cấp sân Đền Thỏng, Trung tâm văn hóa lễ hội Tây Thiên…
Năm 2024, huyện phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trình UBND tỉnh về quy hoạch chung đô thị Tam Đảo đến năm 2040. Ban Thường vụ Huyện ủy thông qua đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị tại thị trấn Hợp Châu và thị trấn Đại Đình. HĐND huyện thông qua quy chế quản lý kiến trúc các điểm dân cư nông thôn các xã Minh Quang, Hồ Sơn, Tam Quan, Bồ Lý, Yên Dương. Các công trình này không chỉ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông mà còn mở rộng khả năng kết nối giữa các điểm du lịch, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các tour, tuyến liên hoàn.
Bên cạnh đó, Tam Đảo đa dạng hóa các hoạt động du lịch tín ngưỡng, tâm linh; du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần; du lịch văn hóa, lịch sử; du lịch kết hợp chăm sóc sức khỏe; du lịch cộng đồng và du lịch MICE (hội nghị, hội thảo, triển lãm)…; đồng thời chú trọng đảm bảo môi trường xanh - sạch - đẹp, an ninh trật tự, an toàn thực phẩm, xây dựng hình ảnh điểm đến sạch, đẹp, an toàn và hấp dẫn.
Những nỗ lực của Tam Đảo đã mang lại kết quả rõ rệt. Năm 2024, huyện Tam Đảo đón gần 1,4 triệu lượt khách, tập trung tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Tây Thiên, Khu du lịch Tam Đảo và sân golf Tam Đảo.
Thị trấn Tam Đảo tiếp tục là điểm đến nổi bật với gần 500 nghìn lượt khách, trong đó khách quốc tế tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, năm 2024 là năm thứ 3 liên tiếp, thị trấn Tam Đảo được tổ chức World Travel Awards vinh danh là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới”. Đây không chỉ là niềm tự hào mà còn là sự công nhận quốc tế cho những bước đi đúng đắn và bền vững của Tam Đảo trong phát triển du lịch.
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định Tam Đảo là trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái, thể thao, văn hóa... của tỉnh và cả nước. Đây là cơ sở, tiền đề, điều kiện đánh thức tiềm năng, dư địa, lợi thế, tạo bước đột phá, mở ra cơ hội, không gian phát triển mới cho Tam Đảo, song cũng đặt ra yêu cầu về bảo tồn bản sắc và phát triển bền vững để khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch trong nước và thế giới. Từ một điểm đến còn nhiều tiềm năng chưa được khai thác, Tam Đảo đang vươn mình mạnh mẽ trở thành địa điểm du lịch thân thiện, mang đậm bản sắc văn hóa.
Thời gian tới, huyện Tam Đảo tiếp tục đầu tư hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch, đưa hình ảnh Tam Đảo đến đông đảo bạn bè, du khách trong và ngoài nước; xây dựng sản phẩm du lịch gắn với văn hóa địa phương; hoàn thiện và ban hành Đề án Xây dựng con người Tam Đảo văn minh, thân thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững; đưa ngành "công nghiệp không khói" trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp vào tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng dần tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong giá trị sản xuất và tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Minh Nguyệt