Với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm”, Vĩnh Phúc đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp xây dựng xã hội số, ưu tiên lựa chọn những công việc trọng tâm, đột phá, đem lại những giá trị mới, tiện ích thiết thực cho người dân. Qua đó hình thành và phát triển môi trường số an toàn, tiện ích phục vụ tối đa nhu cầu sản xuất, kinh doanh cũng như sinh hoạt cộng đồng, từng bước thu hẹp khoảng cách số, tạo động lực phát triển KT - XH bền vững.
Nhanh chóng, thuận tiện, không lo phải mang tiền mặt vì dễ bị rơi hoặc mất cắp, hình thức thanh toán qua quét mã QR đã đem lại nhiều tiện ích thiết thực và nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tiểu thương tại chợ Vĩnh Yên và khách đến mua hàng. Người dân sau khi mua hàng chỉ mất vài giây quét mã để thực hiện thanh toán, rất nhanh chóng, tiện lợi.
Bà Vũ Thị Bích, tiểu thương tại chợ Vĩnh Yên cho biết: “Tôi cao tuổi rồi nên ban đầu có chút e ngại với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Nhưng khi được tiếp cận với hình thức thanh toán này, tôi nhận thấy quét mã QR rất thuận lợi, đơn giản, mang lại nhiều tiện ích như không lo nguy cơ tiền giả; không lo phải đi đổi tiền lẻ, mất thời gian tìm tiền trả lại; không cần phải cầm nhiều tiền mặt, hạn chế nguy cơ bị rơi, mất… Việc chuyển tiền vào tài khoản cũng thuận tiện cho tôi khi trả tiền hàng cho các mối giao buôn”.
Chị Nguyễn Thị Liên, phường Ngô Quyền (Vĩnh Yên) cho biết: “Trước đây, mỗi lần đi chợ tôi thường phải ra cây ATM để rút tiền mặt, khá mất thời gian. Giờ đây, nhờ tiện ích của công nghệ số, khi đi mua sắm gì tôi chỉ cần mang theo điện thoại cá nhân đã cài app của ngân hàng. Ngoài sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để mua sắm, tôi còn thanh toán các hóa đơn dịch vụ thiết yếu hằng ngày như tiền điện, tiền nước...”.
Thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Ảnh: Trà Hương
Thời gian qua, tỉnh nỗ lực thực hiện đồng bộ các biện pháp để thúc đẩy hoạt động xây dựng xã hội số; chú trọng đầu tư hạ tầng thông tin, xây dựng, phát triển các dịch vụ số.
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh nhằm nâng cao nhận thức, sự tham gia của người dân vào tiến trình chuyển đổi số (CĐS) nói chung và xây dựng xã hội số nói riêng; khuyến khích người dân sử dụng máy tính, điện thoại thông minh kết nối mạng internet và truy cập, sử dụng các ứng dụng số, dịch vụ số.
Toàn tỉnh hiện có 1.240 Tổ công nghệ cộng đồng với gần 9.900 thành viên đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng công nghệ số.
Hạ tầng số trên địa bàn tỉnh tiếp tục được quan tâm đầu tư theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đến nay, mạng 3G, 4G đã phủ 100% khu vực trên địa bàn tỉnh, đã phát sóng hơn 60 trạm 5G; toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu thuê bao điện thoại di động; 290.000 thuê bao internet băng rộng cố định và 1,1 triệu thuê bao internet băng rộng di động; đã có hơn 16.000 chữ ký số công cộng được cung cấp cho người dân, doanh nghiệp sử dụng để ký số, xác thực.
Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử tiếp tục được hoàn thiện, tạo nền tảng vững chắc để triển khai các nhiệm vụ CĐS nói chung và xây dựng xã hội số nói riêng.
Toàn tỉnh có hơn 762.000 tài khoản định danh điện tử đã được kích hoạt, đạt 77% người dân đủ điều kiện, là một trong những tỉnh có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước; gần 98% người dân, người lao động tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đã xác thực đúng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; 100% cơ sở dữ liệu hộ nghèo, hộ cận nghèo của tỉnh được cập nhật, kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định.
Bên cạnh đó, có hơn 176.000 người dân đã lập tài khoản trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh; tỷ lệ người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng đạt 68%; 100% các đơn vị trường học, cơ sở khám, chữa bệnh đã thực hiện CĐS, triển khai thu phí không dùng tiền mặt; gần 85% người có công và đối tượng bảo trợ xã hội được chi trả lương, trợ cấp qua tài khoản; chi trả lương hưu qua tài khoản đạt gần 80%...
Người dân Vĩnh Phúc đã và đang ngày càng được hưởng nhiều lợi ích thiết thực từ các dịch vụ, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đồng thời dần thay đổi nhận thức về CĐS, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ mới, thừa hưởng những giá trị mới do CĐS mang lại, trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình CĐS của tỉnh thông qua việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, giao dịch điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt...
Xây dựng xã hội số là nhiệm vụ cần sự vào cuộc quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, triển khai xuyên suốt, đồng bộ và sự tham gia, chung sức, đồng lòng của mỗi người dân.
Để đẩy nhanh tiến trình xây dựng xã hội số, Vĩnh Phúc tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng kết nối số cho người dân, đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng đến tất cả các thôn, tổ dân phố, khu vực dân sinh; tăng tỷ lệ người dùng internet, đặc biệt ở khu vực nông thôn; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng; thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, kỹ năng số cho người dân...
Lê Mơ