Phát huy thế mạnh là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của tỉnh, thành phố Vĩnh Yên đã và đang triển khai nhiều giải pháp để đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế.
Các mặt hàng tại Siêu thị Go Vĩnh Phúc đa dạng về mẫu mã, chủng loại, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Trà Hương
Những năm qua, ngành dịch vụ của thành phố Vĩnh Yên có tốc độ tăng trưởng cao so với các ngành khác. Giai đoạn 2020 - 2025, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, song, ngành dịch vụ của thành phố vẫn giữ mức tăng trưởng bình quân ước đạt 6,6%; tăng trưởng cao hơn 1,3% so với ngành công nghiệp - xây dựng và 6,5% so với ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản. Năm 2024, giá trị sản xuất ngành dịch vụ đạt gần 11.600 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Có được những kết quả trên, Vĩnh Yên đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế đưa dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Nhiều chương trình, đề án, kế hoạch phát triển ngành dịch vụ đã được thành phố ban hành, triển khai hiệu quả, trong đó phải kể đến Đề án “Nâng cao chất lượng dịch vụ thành phố Vĩnh Yên giai đoạn 2021 - 2030” với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích và tạo điều kiện phát triển các loại hình kinh doanh dịch vụ theo hướng văn minh, hiện đại, phù hợp với bối cảnh của nền kinh tế số, tập trung vào một số lĩnh vực dịch vụ mũi nhọn có lợi thế như du lịch; vui chơi giải trí; thương mại; giáo dục; chăm sóc sức khỏe…
Triển khai Đề án, UBND thành phố đã xây dựng kế hoạch hằng năm; giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban, đơn vị; chỉ đạo UBND các xã, phường căn cứ đề án và tình hình thực tế của địa phương để tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ phù hợp.
Hạ tầng thương mại, dịch vụ của thành phố tiếp tục được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại. Cùng với đó, Vĩnh Yên tập trung làm tốt công tác quy hoạch sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án đầu tư; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; làm tốt hoạt động hỗ trợ để doanh nghiệp tiếp cận và hưởng các chính sách ưu đãi; tạo điều kiện tối đa để doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ; tăng cường quản lý nhà nước về dịch vụ, thương mại, tạo môi trường bình đẳng trong kinh doanh.
Công tác tuyên truyền được triển khai dưới nhiều hình thức góp phần nâng cao nhận thức, sự vào cuộc của các cấp, ngành trong việc tăng cường quản lý nhà nước về dịch vụ; đồng thời nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, xây dựng văn minh đô thị, văn minh thương mại của người dân và người kinh doanh.
Ngoài các chợ truyền thống, trên địa bàn thành phố hiện có 2 trung tâm thương mại lớn (Siêu thị Co.op Mart và Siêu thị Go Vĩnh Phúc), 23 siêu thị, gần 3.000 cửa hàng tiện lợi và tự phục vụ.
Một số dự án đầu tư xây dựng trung tâm thương mại đang được triển khai như Khu trung tâm thương mại Vĩnh Phúc của Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư phát triển Hà Minh Anh; Khu trung tâm thương mại và nhà ở hỗn hợp tại phường Khai Quang của Công ty cổ phần BQL Real...
Bên cạnh đó, thành phố có nhiều địa điểm thu hút, phát triển dịch vụ như sân golf Đầm Vạc, khu Sông Hồng Thủ đô, Quảng trường Hồ Chí Minh, Nhà hát tỉnh, chùa Hà Tiên, khu Văn Miếu tỉnh; các tuyến phố đi bộ, ẩm thực tại phường Ngô Quyền, phường Hội Hợp...
Trên địa bàn thành phố đã hình thành các quần thể du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng, hội thảo tại Sông Hồng Resort, khách sạn DIC Star, khách sạn Westlake, khách sạn Crowne Plaza, khách sạn Royal Huy...
Hoạt động dịch vụ ăn uống được đầu tư, mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân và du khách.
Theo thống kê, toàn thành phố hiện có 7 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành; 110 cơ sở lưu trú du lịch với 2.267 phòng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao, 1 khách sạn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 27 khách sạn 1 đến 2 sao và 52 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn.
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành dịch vụ đã đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của Vĩnh Yên, nâng cao đời sống nhân dân.
Để phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trụ cột trong cơ cấu kinh tế của thành phố, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số, Vĩnh Yên tiếp tục quan tâm đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ theo hướng đồng bộ, hiện đại, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của tỉnh.
Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, thu hút đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ.
Tăng cường tuyên truyền, xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh thương mại, ứng xử có văn hóa, đạo đức trong kinh doanh; kết hợp hài hòa giữa phát triển dịch vụ và du lịch, tạo điểm nhấn cho thành phố; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh; tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các thành phần kinh tế...
Lê Mơ