Chuyển đổi số (CĐS) là mô hình tổng thể, toàn diện được triển khai trên địa bàn tỉnh ở cả 3 trụ cột: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Với sự quyết tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị bằng nhiều cách làm sáng tạo, năm 2024, Vĩnh Phúc đã nỗ lực bứt phá và thành công CĐS nhiều nội dung quan trọng theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể.
Nhận thức rõ CĐS không chỉ giúp chính quyền hoạt động hiệu quả, minh bạch; doanh nghiệp tăng năng suất, giảm chi phí; người dân được tiếp cận dịch vụ, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về CĐS đến người dân, doanh nghiệp bằng nhiều hình thức. Đồng thời, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đột phá, tạo cơ sở, nền tảng CĐS nhanh, bền vững trên cả 3 trụ cột.
Ứng dụng các nền tảng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: Nguyễn Lượng
Đến nay, các cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ, bảo đảm đồng bộ và xuyên suốt ở các cấp như: Quản lý dân cư, đăng ký doanh nghiệp, bảo hiểm, hộ tịch điện tử, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh tích hợp định danh, xác thực với Cổng dịch vụ công (DVC) quốc gia… tạo thuận lợi trong việc cung cấp DVC trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc còn là địa phương có tỷ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao nhất cả nước với 100% công dân trong độ tuổi đủ điều kiện, tiêu chuẩn được cấp căn cước công dân (CCCD) gắn chip, vượt chỉ tiêu Bộ Công an giao.
Ưu tiên số hóa các ngành kinh tế gắn với tăng năng suất lao động, sản lượng, quản lý và đổi mới sáng tạo, nhiều nền tảng số được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đón nhận, sử dụng rộng rãi trong đời sống hằng ngày như: 100% cơ sở giáo dục, cơ sở y tế triển khai các giải pháp thanh toán điện tử ví Momo, Mobile Money… việc tra cứu thông tin khám bệnh bằng CCCD gắn chip điện tử tích hợp thông tin bảo hiểm y tế (BHYT) được triển khai đối với 100% cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh.
Toàn tỉnh hiện có hơn 10 nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng các nền tảng số trong quản lý, điều hành, sản xuất kinh doanh; 100% doanh nghiệp đăng ký và nộp hồ sơ khai thuế qua mạng Internet… Nhờ đó, giá trị tăng thêm theo giá hiện hành của một số ngành liên quan kinh tế số ước đạt khoảng 21% tổng giá trị GRDP.
Toàn tỉnh hiện có hơn 1,3 triệu thuê bao điện thoại di động, 286 nghìn thuê bao Internet băng rộng cố định và hơn 1 triệu thuê bao
Internet băng rộng di động đến từ 10 nhà cung cấp dịch vụ điện thoại và Internet. Với việc phủ sóng hạ tầng số 3G, 4G, 5G, có 15.274 chữ ký số công cộng của người dân, doanh nghiệp sử dụng trong các giao dịch điện tử dưới các hình thức như: Token, Sim, HSM, Smart… Bên cạnh đó, 100% các cơ sở giáo dục trong tỉnh đã khai thác, sử dụng hiệu quả kho học liệu trực tuyến dùng chung trên các nền tảng số igiaoduc.vn, itrithuc.vn, vinhphuc.violet.vn…
Những năm qua, VNPT Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền trong tỉnh triển khai nhiều chương trình, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ công cuộc CĐS để bắt kịp xu thế phát triển của công nghệ 4.0 trên cả 3 trụ cột.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh đã kết nối liên thông với 23 hệ thống của các bộ, ngành Trung ương, địa phương và các hệ thống khác; cung cấp hệ thống quản lý văn bản và điều hành ở cả 3 cấp với hơn 12 nghìn người dùng; hệ thống phần mềm quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT với gần 100% các cơ sở y tế sử dụng; các nền tảng thanh toán điện tử như VNPAY, Mobile Money… được người dân ứng dụng ngày càng rộng rãi, thay vì thói quen dùng tiền mặt.
VNPT Vĩnh Phúc luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền của tỉnh triển khai nhiều chương trình, sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ công cuộc chuyển đổi số. Ảnh: Nguyễn Lượng
Phó Giám đốc VNPT Vĩnh Phúc Lê Văn Đức cho biết: Trên cơ sở kết quả đạt được, năm 2025, đơn vị tiếp tục tham mưu tỉnh triển khai CĐS tập trung vào các lĩnh vực chuyên ngành như nội vụ, giao thông... Trong lĩnh vực kinh tế số, trọng tâm là phát triển hệ sinh thái phục vụ doanh nghiệp.
Đối với lĩnh vực xã hội số, đưa vào vận hành, sử dụng App công dân và hệ thống phản ánh kiến nghị để kết nối người dân, doanh nghiệp với chính quyền. Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng hệ thống hạ tầng số, khẳng định vai trò là đơn vị tiên phong, dẫn dắt CĐS toàn diện trên địa bàn tỉnh.
Bám sát chỉ đạo của Trung ương, phấn đấu đến năm 2025 lọt top 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu về CĐS, tỉnh tiếp tục bổ sung nội dung CĐS vào các quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH của các ngành, lĩnh vực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Đẩy mạnh nghiên cứu, đầu tư, nâng cấp hình thành hạ tầng số, tiến tới chính quyền điện tử và phát triển đô thị thông minh. Rà soát, kiểm tra, đánh giá và tổ chức thực hiện các quy định về bảo đảm an toàn, an ninh theo cấp độ đối với các hệ thống thông tin trong phạm vi quản lý. Nghiên cứu, xây dựng cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để thu hút chuyên gia, nhân lực tham gia xây dựng, phát triển chính quyền điện tử...
Ngọc Lan