Hưởng ứng Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025, việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong xã hội hiện đã trở thành thói quen của người dân ở khu vực đô thị và từng bước phát triển ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh. Qua đó góp phần giảm chi phí xã hội liên quan đến tiền mặt, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Nhiều người dân xã Ngũ Kiên (Vĩnh Tường) thực hiện thanh toán trực tuyến khi mua sắm.
Thanh toán không dùng tiền mặt có tầm quan trọng và đem lại nhiều lợi ích như an toàn, thuận tiện, giảm chi phí xã hội, góp phần đấu tranh phòng, chống tham nhũng... Thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, các cấp chính quyền trong tỉnh tích cực huy động nhiều nguồn lực cho việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, có sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế.
Toàn tỉnh hiện có 7 siêu thị, 2 trung tâm thương mại và 81 chợ đang hoạt động, 76 chuỗi cửa hàng tự chọn Winmart+ và hàng nghìn cửa hàng kinh doanh thương mại dịch vụ trải khắp từ thành thị đến nông thôn, đáp ứng nhu cầu mua bán của mọi tầng lớp nhân dân.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt; các tổ chức tín dụng phát triển nhiều dịch vụ ngân hàng số trên kênh thanh toán di động, kênh Internet, QR code… đáp ứng xu thế của thời đại. Khuyến khích, tuyên truyền, hướng dẫn người dân nâng cao nhận thức, chuyển biến thành thói quen thường xuyên thanh toán không dùng tiền mặt.
Đến hết năm 2024, hệ thống ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh đã lắp đặt, vận hành 242 máy ATM phục vụ nhu cầu nộp/rút tiền mặt của người dân. Toàn tỉnh có gần 40 nghìn cơ sở kinh doanh, siêu thị, chuỗi phân phối, cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng, các cơ sở y tế, bệnh viện, trường học... chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt.
Nhờ đó, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh tăng 92,7% về số lượng và 57,8% về giá trị so với năm 2023, trong đó, qua kênh Internet tăng 60,8% về số lượng và 30,4% về giá trị, kênh điện thoại di động tăng 89,3% về số lượng và 58,7% về giá trị, phương thức QR code tăng 702,7% về số lượng và 1.334% về giá trị.
Là một trong những đơn vị đạt được nhiều kết quả tích cực trong việc đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trên dịa bàn, Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến các KBNN huyện, thành phố trực thuộc, các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng bằng nhiều hình thức như trên các phương tiện thông tin đại chúng; niêm yết công khai thủ tục kiểm soát, thanh toán tại trụ sở cơ quan…
Bên cạnh đó, tích cực vận động, hướng dẫn các đơn vị giao dịch hạn chế rút tiền mặt tại trụ sở KBNN, nhất là các khoản chi nhỏ lẻ. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh và các ngân hàng thương mại thiết lập, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng ngân sách trong giao dịch thanh toán. Đồng thời triển khai thành công chương trình ứng dụng thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông cho các đơn vị sử dụng ngân sách.
Năm 2024, KBNN tỉnh là 1 trong 2 đơn vị đầu tiên trên cả nước triển khai thí điểm chương trình trao đổi thông tin thông qua Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng trên Cổng trao đổi dữ liệu. Hiện, chương trình đã được triển khai thành công và đang chờ nhân rộng trên toàn quốc trong thời gian tới.
Nhờ đó, giao dịch tiền mặt tại KBNN tỉnh giảm dần qua các năm. Riêng năm 2024, thu bằng tiền mặt tại KBNN tỉnh chỉ chiếm 0,07 % tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN); số chi tiền mặt chỉ chiếm 0,14% tổng số chi NSNN.
Kho bạc Nhà nước tỉnh đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong hệ thống Kho bạc Nhà nước đến năm 2025.
Đến nay, KBNN tỉnh mở rộng, kết nối hạ tầng với với 12 ngân hàng thương mại thông qua 46 tài khoản phục vụ thu, chi NSNN. Toàn tỉnh có 657/1.035 đơn vị sử dụng ngân sách ủy quyền thanh toán tự động các khoản chi điện, nước, dịch vụ viễn thông…
Phấn đấu đến cuối năm 2025, không còn giao dịch chi bằng tiền mặt và giảm tới mức tối thiểu các giao dịch thu bằng tiền mặt, KBNN tỉnh tích cực tuyên truyền, phổ biến Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đến các KBNN huyện, thành phố trực thuộc, các đơn vị sử dụng ngân sách và khách hàng.
Nâng cấp, phát triển hạ tầng thanh toán hiện đại, an toàn, hiệu quả và liên thông với Hệ thống dịch vụ công trực tuyến của KBNN để các ngân hàng thương mại có thể truy cập vào cổng trao đổi dữ liệu, lấy thông tin Bảng thanh toán cho đối tượng thụ hưởng của các đơn vị sử dụng NSNN.
Tiếp tục mở rộng mạng lưới tài khoản phục vụ thu ngân quỹ Nhà nước của KBNN tại các hệ thống NHTM; phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các ngân hàng thương mại triển khai thu ngân sách theo mã định danh khoản thu để giảm thiểu truyền nhận thông tin giữa các cơ quan, tạo điều kiện đẩy mạnh các hình thức thu hiện đại như thu qua QR-Code, mobile-money, ví điện tử, mobile-banking...
Tích cực triển khai trên diện rộng việc kiểm soát và chủ động thanh toán đối với các khoản chi mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo ủy quyền của các đơn vị sử dụng NSNN.
Đẩy mạnh phát triển các phương thức và ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực trên toàn tỉnh, ngày càng đáp ứng yêu cầu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp và phục vụ đắc lực cho công tác quản lý thu, chi NSNN.
Qua đó không chỉ bảo đảm sự hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả của hoạt động thanh toán trong nền kinh tế thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, mà còn góp phần vào công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và tội phạm kinh tế.
Bài, ảnh: Ngọc Lan