Đó là yêu cầu mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đặng Xuân Phong đưa ra đối với thành phố Phúc Yên trong buổi làm việc với địa phương về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Phúc Yên lần thứ IV, nhiệm kỳ 2020 – 2025. Việc quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội giúp thành phố Phúc Yên thúc đẩy phát triển du lịch, nâng cao vị thế, tăng cường kết nối vùng, tạo động lực phát triển kinh tế và đô thị hóa…
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Ban Thường vụ Thành ủy, sự vào cuộc tích cực của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, Phúc Yên đã đạt được những thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Đáng chú ý, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đầu tư, nâng cấp; diện mạo đô thị, nông thôn có nhiều đổi mới; kinh tế nhiều năm duy trì tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Đội ngũ lãnh đạo địa phương luôn xác định thành phố Phúc Yên có vị trí thuận lợi, là cửa ngõ của tỉnh Vĩnh Phúc, gần Thủ đô Hà Nội và sân bay quốc tế Nội Bài, có nhiều tuyến đường giao thông quan trọng chạy qua nên có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở đó, những năm qua, thành phố Phúc Yên đã chủ động tập trung nguồn lực để phát triển, hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với Thủ đô.

Tuyến "xương sống" QL2 gắn kết thành phố Phúc Yên với Thủ đô Hà Nội.
Đến nay, thành phố Phúc Yên cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội theo nhu cầu phát triển tại khu vực trung tâm của thành phố. Hệ thống giao thông đô thị được quan tâm đầu tư, đã hình thành các trục ngang theo hướng Đông - Tây và Đông Bắc - Tây Nam; các trục dọc theo hướng Bắc - Nam và Tây Bắc - Đông Nam…
Nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo Đề án phát triển thành phố Phúc Yên giai đoạn 2020 - 2030, định hướng đến năm 2045 đã được UBND tỉnh phê duyệt, thành phố Phúc Yên có điều kiện triển khai 36 dự án với tổng mức đầu tư hơn 10.600 tỷ đồng.
Trong năm 2025, địa phương đang đẩy nhanh tiến độ triển khai 23 dự án, trong đó có 5 dự án mới và 18 dự án chuyển tiếp. Một số dự án trọng điểm phải kể đến tuyến đường Nguyễn Văn Linh kéo dài, hạ tầng giao thông kết nối vùng Thủ đô (Vành đai 5), các khu đô thị mới Tiền Châu, Nam Phúc Yên…

Hạ tầng giao thông thành phố Phúc Yên kiên cố và cơ bản đồng bộ.
Cùng với sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh, mới đây, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng tuyến đường nối sân bay quốc tế Nội Bài qua khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn đến khu du lịch Đại Lải. Dự án này sau khi đưa vào sử dụng sẽ tăng cường kết nối hạ tầng giao thông giữa thành phố Phúc Yên với Thủ đô Hà Nội.
Theo thông tin từ chủ đầu tư, tuyến đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài qua khu đô thị vệ tinh Sóc Sơn đến khu du lịch Đại Lải có chiều dài khoảng 10km, rộng 50m, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong giai đoạn 2026-2029.
Khi hoàn thành, tuyến đường sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn, không chỉ trong việc phát triển du lịch mà còn góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, cải thiện hạ tầng giao thông, nâng cao vị thế cho khu du lịch Đại Lải nói riêng, thành phố Phúc Yên nói chung.
Dự án cũng có ý nghĩa chiến lược trong kết nối kinh tế giữa khu vực Thủ đô Hà Nội, huyện Sóc Sơn và các địa phương lân cận như Vĩnh Phúc. Với hệ thống giao thông thuận lợi, các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các khu đô thị, khu công nghiệp và trung tâm kinh tế, giúp giảm chi phí logistics và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Sự kết nối này cũng tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào các khu đô thị và khu công nghiệp nằm dọc tuyến đường. Các nhà đầu tư sẽ có thêm động lực để phát triển hạ tầng thương mại, dịch vụ và sản xuất, từ đó thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển mạnh mẽ hơn.
Ngoài ra, dự án sẽ góp phần giảm tải áp lực giao thông, nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông khi kết nối nhanh hơn giữa Nội Bài và Đại Lải và các tuyến quốc lộ hiện nay, trong đó có tuyến đường từ Nội Bài đi Vĩnh Phúc. Hiện tại, lượng phương tiện lưu thông trên các tuyến đường này khá cao, đặc biệt vào mùa cao điểm du lịch, dẫn đến tình trạng ùn tắc và tai nạn giao thông gia tăng.
Việc hình thành một tuyến đường rộng 50m sẽ giúp phân luồng giao thông hợp lý hơn, giảm áp lực cho các tuyến đường cũ và nâng cao chất lượng giao thông đô thị. Điều này cũng có tác động tích cực đến việc phát triển vận tải hành khách và hàng hóa, nâng cao năng lực vận chuyển trong khu vực…
Nhằm nỗ lực hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối với Thủ đô Hà Nội, sớm hoàn thành mục tiêu đưa Phúc Yên trở thành đô thị loại II, thời gian tới, địa phương tiếp tục đẩy mạnh đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật theo kế hoạch đầu tư công trung hạn; nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch xây dựng công trình hạ tầng đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Tập trung phát triển giao thông, tạo diện mạo đô thị ngày càng văn minh, hiện đại, sớm đưa Phúc Yên trở thành trung tâm kinh tế, đô thị, dịch vụ, du lịch của tỉnh.
Bài, ảnh: Hà Trần