Nhằm kéo giảm tối đa số hộ nghèo trên địa bàn, thành phố Phúc Yên đã tích cực triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo đa chiều, toàn diện; đa dạng hóa sinh kế, phát triển các mô hình giảm nghèo, tạo điều kiện giúp hộ nghèo từng bước ổn định cuộc sống, vươn lên phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững.
Nhờ nguồn vốn vay từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thành phố Phúc Yên, gia đình ông Nguyễn Bá Năm, tổ 8, phường Hai Bà Trưng có điều kiện đầu tư mở xưởng gỗ, vươn lên thoát nghèo. Ảnh: Kim Ly
Nhiều năm trước đây, gia đình ông Nguyễn Bá Năm, tổ 8, phường Hai Bà Trưng thuộc diện hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2016, ông Năm được Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) thành phố Phúc Yên hỗ trợ cho vay 50 triệu đồng.
Từ nguồn vốn này, ông Năm đầu tư máy móc, trang thiết bị để mở xưởng gỗ. Với sự cần cù, chịu khó cùng đôi tay khéo léo, các sản phẩm đồ gỗ của gia đình ông ngày càng được nhiều khách hàng ưa chuộng, lựa chọn.
Sau khi thoát nghèo, năm 2021, ông Năm tiếp tục được Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thành phố tạo điều kiện vay 100 triệu đồng để mở rộng nhà xưởng lên hơn 300 m2; đồng thời, đầu tư thêm một số máy móc, trang thiết bị như máy cưa, máy bào, máy cắt… góp phần tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Năm cho biết: Nhờ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thành phố giúp gia đình tôi có thêm điều kiện, nguồn lực để phát triển sản xuất và vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thành phố Phúc Yên đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, chương trình, kế hoạch giảm nghèo theo từng giai đoạn, từng năm đảm bảo phù hợp với định hướng giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương.
Các cấp chính quyền, ngành, đoàn thể của thành phố chú trọng đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa để thực hiện các mục tiêu giảm nghèo. Đồng thời, lan tỏa sâu rộng các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo, từ đó, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Trưởng Phòng LĐ-TB&XH thành phố Phúc Yên Nguyễn Hồng Thái cho biết: Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, các cấp ủy Đảng, chính quyền cùng các hội, đoàn thể của thành phố đã tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà hộ nghèo và các đối tượng yếu thế, đảm bảo 100% hộ nghèo đều có quà.
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục, y tế, văn hóa, nhà ở… đều được triển khai kịp thời, minh bạch, tạo tiền đề cơ bản để hộ nghèo dần ổn định cuộc sống.
Giai đoạn 2021-2024, thành phố Phúc Yên đã miễn, giảm học phí cho 180 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí gần 970 triệu đồng; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 78 trẻ em từ 3-5 tuổi đang học mẫu giáo với tổng số tiền hơn 180 triệu đồng; cấp phát miễn phí 226 thẻ bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ nghèo; hỗ trợ tiền điện cho 150 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí hơn 270 triệu đồng; hỗ trợ xây mới và sửa chữa 55 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo với tổng kinh phí hơn 2,5 tỷ đồng…
Được ví như “bà đỡ” của các hộ nghèo và đối tượng chính sách, từ năm 2021 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã đồng hành, tiếp sức cho hàng nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ với doanh số cho vay hơn 23,7 tỷ đồng.
Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thành phố Phúc Yên Đào Anh Văn cho biết: Không những tạo đà cho hộ nghèo phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, nguồn vốn tín dụng chính sách còn góp phần xóa nghèo từ trong tư duy, tạo chuyển biến tích cực trong cách nghĩ, cách làm của người nghèo từ phụ thuộc, ỷ lại, trông chờ vào trợ giúp của Nhà nước, của cộng đồng sang chủ động lựa chọn những mô hình phát triển kinh tế phù hợp; từng bước áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh để vươn lên thoát nghèo, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Với nhiều giải pháp đồng bộ, đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Phúc Yên giảm còn 0,24%; là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn tỉnh. Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, thành phố Phúc Yên tiếp tục triển khai, thực hiện hiệu quả, kịp thời các cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo của Trung ương, của tỉnh.
Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức và khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người nghèo, đồng thời huy động nguồn lực xã hội hóa thực hiện các hoạt động chung tay hướng về người nghèo; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn vốn tín dụng chính sách được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả…
Phương Anh